Các DN chế biến gỗ và lâm sản với Hiệp định VPA/FLEGT: Cơ hội và thách thức
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa ký tắt Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) (gọi tắt là VPA/FLEGT) sau 6 năm đàm phán. Việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT là cơ hội, nhưng cũng là thử thách đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ - lâm sản (DN CBG-LS) trên địa bàn tỉnh.
Tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế
Ông Lê Vỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản (FPA) Bình Định, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phú Tài, cho biết: Trong bối cảnh khó khăn, bên cạnh việc củng cố, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, các dây chuyền sản xuất, tiết kiệm nguyên, vật liệu, lãnh đạo công ty đã chú trọng kiểm soát chặt chẽ các công đoạn CBG, thực hiện theo chuẩn mực quốc tế và những quy định về FSC-CoC, FLEGT… Kết quả, 5 tháng đầu năm 2017, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Công ty CP Phú Tài đạt 14,5 triệu USD, trong đó đồ gỗ ngoại thất đạt 12 triệu USD, gỗ nội thất đạt 2,47 triệu USD, là một trong những DN trên địa bàn đạt KNXK cao nhất.
Công nhân Công ty TNHH Trường Sơn đang đóng gói sản phẩm.
Với Công ty TNHH Trường Sơn (KCN Long Mỹ), ông Bùi Bảo Tín, Phó Giám đốc Công ty, cho hay: Là DN CBG có trên 97% số lượng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu nên từ lâu công ty đã quan tâm đến việc thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu mà các nước nhập khẩu đề ra, nhất là chuỗi hành trình sản phẩm FSC- CoC, FLEGT…
Bà Trần Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Công Thương, nhìn nhận, từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các DN CBG-LS trên địa bàn đã nỗ lực đổi mới dây chuyền công nghệ, thực hiện nghiêm chuẩn mực quốc tế và quy định của các nước nhập khẩu… nên đã đạt được kết quả khả quan. 5 tháng đầu năm 2017, giá trị KNXK của nhóm hàng lâm sản ước thực hiện gần 165 triệu USD, chiếm tỉ trọng 53,5%, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, hoạt động của các DN CBG-LS trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. 5 tháng đầu năm 2017, mặt hàng gỗ tinh chế nội thất trên địa bàn chỉ đạt khối lượng 6.100 m3 (giảm 18%), giá trị đạt 13,9 triệu USD, (giảm gần 13%).
Biến thách thức thành cơ hội
Trong bối cảnh trên, Hiệp định VPA/FLEGT vừa được Việt Nam và EU ký tắt sẽ là những thử thách mới, đồng thời cũng là cơ hội đối với các DN CBG-LS trên địa bàn.
Vấn đề đặt ra là các DN CBG-LS trên địa bàn sẽ làm gì để đáp ứng yêu cầu, quy định của VPA/FLEGT, đồng thời có giải pháp hữu hiệu để đưa hoạt động CBG-LS phát triển bền vững? Theo ông Bùi Bảo Tín, EU là một thị trường lớn và đầy tiềm năng, nếu các DN Bình Định đáp ứng được các quy định của VPA/FLEGT thì chính là đã biến thách thức thành cơ hội.
Ông Lê Vỹ cho biết, FPA Bình Định đã sớm nắm bắt thông tin về VPA/FLEGT, chủ động giới thiệu, phổ biến những nội dung chủ yếu của Hiệp định và tổ chức các đợt tập huấn cho các hội viên về VPA/FLEGT. Mục tiêu FPA Bình Định đề ra năm 2017 là các DN CBG-LS thành viên phấn đấu đạt giá trị KNXK khoảng 380 triệu USD, tăng 5% so với năm 2016.
Đáng lưu ý, cuối tháng 5 vừa qua, FPA Bình Định đã cùng với 3 hiệp hội thuộc ngành CBG-LS, gồm: Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và CBG TP Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội CBG Bình Dương (BIFA) ký cam kết và ra tuyên bố chung về việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp.
Bản cam kết và tuyên bố chung gồm các nội dung quan trọng; trong đó các hiệp hội cam kết tuân thủ đầy đủ quy định của các cơ quan quản lý về phát triển, khai thác, sử dụng, mua bán gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, gỗ và sản phẩm gỗ được cấp phép CITES và FLEGT trong tương lai. Thúc đẩy việc sử dụng, chế biến, sản xuất kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ từ rừng trồng trong nước và từ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu hợp pháp và bền vững. Không một hội viên nào của các hiệp hội tham gia vào các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ trái phép trên toàn lãnh thổ Việt Nam và tại các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu cũng như các quốc gia tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam…
Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp cải thiện quản trị rừng, giải quyết khai thác bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp được xác nhận từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác.
Ðể triển khai Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) để bảo đảm gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm các hệ thống xác minh gỗ nhập khẩu đã được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với các quy định có liên quan tại nước khai thác. Sau khi Hiệp định được thực thi đầy đủ, các lô gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải có giấy phép FLEGT chứng minh tính hợp pháp.
Ngoài nhiều lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường gắn với việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, việc cấp phép FLEGT cũng sẽ đơn giản hóa giao dịch của thương nhân gỗ, do các sản phẩm được cấp phép FLEGT đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU - những yêu cầu cấm các sản phẩm gỗ bất hợp pháp tại thị trường EU. Theo đó, các chủ thể của EU có thể đưa ra các sản phẩm gỗ được cấp phép FLEGT vào thị trường EU mà không phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định trong quy chế của EU.
(Theo chinhphu.vn)
VIẾT HIỀN