Xem xét loại thép sử dụng đóng tàu
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, vấn đề quan trọng là phải xem xét loại thép sử dụng có đạt chuẩn để đóng tàu cá hay không chứ không quan trọng xuất xứ của nó.
Ngày 8.6, sau chuyến kiểm tra thực tế, làm việc với UBND tỉnh Bình Định về tình hình triển khai đóng mới và sử dụng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/CP ở địa phương, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Tổ công tác đang kiểm tra chất lượng một tàu vỏ thép bị hỏng Ảnh: ANH TÚ
Phóng viên: Thứ trưởng nhận định thế nào sau khi trực tiếp kiểm tra thực tế tình trạng tàu vỏ thép hỏng hàng loạt?
- Sáng 8.6, tôi cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra thực tế một số tàu vỏ thép tại cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Mục đích của chuyến đi này là cùng với tỉnh nắm tình hình triển khai đóng mới và sử dụng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67.
Qua kiểm tra, Bình Định có 18 tàu vỏ thép hư hỏng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở tại TP Hải Phòng) đóng 13 tàu và Công ty Đại Nguyên Dương (trụ sở tại tỉnh Nam Định) đóng 5 tàu. Vấn đề này, hiện tổ công tác thẩm định tàu vỏ thép của tỉnh Bình Định đang kiểm tra, trong tuần tới sẽ có kết quả chi tiết. Qua đó, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của vụ này thuộc về ai và tỉnh Bình Định sẽ đưa ra biện pháp xử lý quyết liệt hơn.
Hàng loạt tàu vỏ thép trị giá gần 20 tỉ đồng nhưng mới hạ thủy chưa lâu đã hỏng. Thứ trưởng có bất ngờ về vụ việc này?
- Ban đầu cũng bất ngờ thật. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ vấn đề báo chí nêu, chúng tôi nghĩ rằng cần bình tĩnh để xem xét đây là nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Tôi cho rằng vì lần đầu tiên Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương đóng tàu cá nên cũng không thể tránh khỏi những sai sót.
Bước đầu kiểm tra thực tế, có vấn đề gì về tàu vỏ thép đã được làm rõ chưa, thưa thứ trưởng?
- Quan sát thực tế, chúng tôi thấy các tàu vỏ thép có chung tình trạng vỏ bị gỉ sét, tróc sơn, xuống cấp. Qua trao đổi ban đầu với đại lý hãng máy Mitsubishi, họ cho biết 5 máy tàu được lắp trong 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng, có 4 chiếc không phải chính hãng.
Trong hợp đồng, thép đóng tàu là của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp đã dùng thép Trung Quốc để đóng tàu. Về việc này, thứ trưởng đánh giá thế nào?
- Vấn đề này phải chờ báo cáo cụ thể từng trường hợp một của tổ thẩm định độc lập tỉnh Bình Định. Theo tôi, quan trọng là phải xem xét loại thép đó có đạt chuẩn để đóng tàu cá hay không chứ không quan trọng xuất xứ của nó.
Theo Anh Tú (NLĐ)
Ai lại thế bao giờ? Thứ nhất, "Công ty chưa đóng bao giờ nên có sai sót','' không quan trọng xuất xứ của thép đóng tàu''. Nói vậy cả chục tỷ của bà con ngư dân, tính mạng cả chục thuyền viên trên tàu mà giao cho đơn vị chưa đóng tàu cá bao giờ đóng à? Thứ hai, dù thép có đủ tiêu chuẩn thì cũng không được đóng vì như vậy là không đúng hợp đồng, nhất lại là thép Trung Quốc. Làm như vậy là phá hoại chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước với bà con ngư dân; coi thường tính mạng, tài sản của dân; còn đâu nữa mà bám ngư trường, bảo vệ biển đảo với chủ quyền...