Rác làng, rác xóm...
Nếu trước đây chuyện rác thải gây ô nhiễm môi trường là nỗi lo thường trực ở đô thị thì vài năm gần đây tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn cũng lâm vào tình trạng... báo động. Rác làng, rác xóm chính là một trong những nổi cộm đối với vấn đề môi trường nông thôn ở tỉnh ta hiện nay.
Dễ thấy nhất là rác thải sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn hiện đang được xả ra môi trường hết sức bừa bãi, tùy tiện. Dường như người dân ở nông thôn có thể vứt rác xuống bất cứ chỗ nào có thể vứt được miễn đó không phải là khuôn viên nhà mình. Vì vậy, dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn hay ven sông suối, kênh mương, ao hồ... ở nhiều nơi trong tỉnh đã và đang xuất hiện vô số những bãi rác lộ thiên bốc mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng và côn trùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cảnh quan.
Có một thực tế là trước đây nông thôn là nơi đất rộng, người thưa, nhà ai cũng có vườn rộng quanh nhà nên việc xử lý rác phần lớn theo hình thức chôn lấp trong vườn hoặc đốt bỏ. Do phần lớn là rác thải hữu cơ nên việc xử lý không phức tạp và không ảnh hưởng lâu dài. Tuy nhiên hiện nay thì tình hình đã khác do dân số tăng nhanh, đất vườn cũng thu hẹp dần dành cho việc ở, sản xuất phát triển đa dạng hơn kéo theo rác thải phát sinh nhiều hơn, khó tiêu hủy hơn nên cách xử lý như trước đã không thể thực hiện.
Trước tình hình này, một số địa phương đã thực hiện phương thức xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, tổ chức và vận động các hộ dân đăng ký nhưng nhiều hộ lại từ chối tham gia vì chưa có thói quen trả chi phí cho cái việc xưa nay “tự xử” và không tốn kém. Trong khi đó phương thức tự đốt, tự chôn lấp trong vườn nhà cũng không còn đất để thực hiện nữa dẫn đến việc vứt ra bên ngoài trở nên phổ biến và là nguyên nhân hình thành bãi rác ở mọi nơi như đã thấy.
Hiện nay, tỉnh ta đang nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong bộ tiêu chí chuẩn nông thôn mới thì tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí “cứng” và cũng là tiêu chí khó đạt nhất. Do đó, bên cạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân thì việc đầu tư xử lý môi trường là hết sức quan trọng và cần thiết để nâng cao chất lượng sống và nông thôn mới thật sự phát triển bền vững.
Vì vậy, đã đến lúc cần phải hết sức quan tâm đến vấn đề môi trường nông thôn, cụ thể và rất cần thiết ngay từ bây giờ là việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn. Đã đến lúc các địa phương phải có tư duy mới về vấn đề này trong thực hiện quy hoạch, đầu tư xử lý rác thải bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Thực tế cho thấy công tác này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí không nhỏ, do đó cần có nhiều giải pháp huy động nguồn lực. Cùng với sự đầu tư từ ngân sách thì việc thực hiện xã hội hóa để huy động kinh phí cho công tác này và cộng đồng dân cư nông thôn cùng chi trả chi phí xử lý rác thải là điều hết sức tự nhiên, hợp lẽ.
Bên cạnh đó là việc xây dựng nếp sống vệ sinh, văn minh trong cộng đồng dân cư để người dân nông thôn từ bỏ thói quen xả rác bừa bãi, tự giác thu gom để không còn những bãi rác làng, rác xóm... Chỉ có như vậy chúng ta mới có được nông thôn mới có chất lượng sống cao với môi trường trong lành, cảnh quan sạch sẽ, tươi đẹp.
H.Đ