Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám:
“Các cơ sở đóng tàu phải thay mới vỏ tàu và máy mới chính hãng cho ngư dân”
Ðây là phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ (NÐ 67), được tổ chức tại TP Quy Nhơn sáng 9.6. Trước những bức xúc của ngư dân Bình Ðịnh về chất lượng tàu vỏ thép và máy tàu quá kém, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết đã chỉ đạo tạm đình chỉ việc Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương nhận hợp đồng đóng mới tàu cá vỏ thép.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (người thứ 2 từ trái qua) kiểm tra tình hình hư hỏng tàu vỏ thép tại cảng cá Đề Gi.
18 tàu vỏ thép kém chất lượng
Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 56 tàu cá đóng mới theo NĐ 67, trong đó có 47 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ và 5 vỏ tàu composite.
“Ðây là bài học quý giá. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận và phải tích cực khắc phục để việc hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá theo NÐ 67/CP đạt được những hiệu quả như mong muốn”
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT VŨ VĂN TÁM
Tuy nhiên, qua kiểm tra có đến 18 tàu cá vỏ thép mới đóng đã bị hư hỏng, trong đó, 13 chiếc do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, 5 chiếc do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Sở NN&PTNT đã thành lập Đoàn công tác kiểm tra 7 tàu và có kết quả sơ bộ: vỏ thép bị rỉ sét nặng, sơn chưa đúng quy định; máy tàu bị hư hỏng; các trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn… bị hư hỏng, không hoạt động. Điều đáng lưu ý là trong số 13 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, ngoài phần rỉ sét nặng ở vỏ tàu, thép không đúng loại theo hợp đồng thì máy chính của tàu cũng không được lắp theo đúng hợp đồng đã ký kết với ngư dân.
“Cơ sở đóng tàu đã hợp đồng máy chính hãng Mitsubishi thì phải lắp đặt nguyên đai nguyên kiện máy mới của hãng này. Hợp đồng đóng tàu là thép Hàn Quốc thì phải đóng bằng thép Hàn Quốc, chứ không tự động thay bằng thép Trung Quốc. Ðề nghị các cơ sở đóng tàu lấy lương tâm và trách nhiệm để đóng tàu có chất lượng giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, chứ không chỉ vì lợi nhuận cao mà làm ăn gian dối”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN CHÂU
“Theo hợp đồng, cơ sở đóng tàu phải lắp đặt máy Mitsubishi mới, được phân phối bởi chính hãng sản xuất và cấu kiện máy phải đồng bộ. Tuy nhiên, qua kiểm tra và thẩm định của chuyên gia cơ khí đại diện hãng Mitsubishi tại Nhật Bản, trong số 9 tàu cá vỏ thép tại Bình Định, có đến 8 tàu không được lắp ráp máy chính hãng. Do vậy, Sở NN&PTNT Bình Định đã yêu cầu các cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm thay máy thủy mới chính hãng; đồng thời đền bù các thiệt hại cho ngư dân có tàu cá bị hư hỏng nằm bờ không ra khơi được”, ông Hổ cho biết thêm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: Qua phản ánh của ngư dân, tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương khẩn trương khắc phục tất cả những hư hỏng, sự cố tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định. Để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị đóng tàu, tỉnh đã đề nghị Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra sự cố tàu cá vỏ thép tại Bình Định. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo tổ thẩm định độc lập tàu vỏ thép, sớm hoàn thành việc kiểm tra, giám định các tàu vỏ thép bị hư hỏng; nhằm tổng hợp kết quả, báo cáo Bộ NN&PTNT vào ngày 20.6 tới.
Cơ quan chức năng đang kiểm tra máy của một tàu vỏ thép bị hư hỏng tại cảng cá Đề Gi.
Yêu cầu cơ sở đóng tàu đền bù thiệt hại cho ngư dân
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá, hội nghị đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, nhất là đã nêu rõ nhiều tàu cá đóng mới theo NĐ 67/CP đã phát huy hiệu quả, đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; bên cạnh đó, qua thực hiện NĐ 67 cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục kịp thời. Vấn đề nổi lên là sự cố 18 tàu vỏ thép tại Bình Định bị hư hỏng, xuống cấp nhanh.
“Tàu của tôi đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu với tổng chi phí 20 tỉ đồng. Từ lúc hạ thủy đánh bắt thủy sản vào cuối tháng 3.2017 đến nay, tàu thường xuyên bị sự cố hỏng máy. Tôi đã đề nghị cơ sở đóng tàu có biện pháp sửa chữa triệt để giúp chúng tôi yên tâm vươn khơi, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được đáp ứng. Tàu không hoạt động, tôi vừa không có thu nhập, vừa không có tiền trả lãi vay ngân hàng, thật khó khăn vô cùng!”
Ngư dân TRẦN ĐÌNH SƠN (Mỹ An, Phù Mỹ), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS
Thứ trưởng biểu dương lãnh đạo tỉnh Bình Định đã kịp thời tổ chức đối thoại giữa các cơ sở đóng tàu và ngư dân, cũng như đã tích cực khắc phục bước đầu sự cố hư hỏng tàu cá. Đặc biệt là việc Bình Định đã khẩn trương thành lập tổ kiểm định độc lập để kiểm định những tàu cá vỏ thép đóng theo NĐ 67, nhằm tìm ra nguyên nhân và trách nhiệm các bên liên quan.
Về biện pháp chỉ đạo khắc phục 18 tàu cá vỏ thép bị sự cố tại Bình Định, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thay lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng hợp đồng đã ký kết với ngư dân là đóng bằng thép Hàn Quốc. Với số máy tàu bị hư hỏng của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Bộ yêu cầu phải thay bằng máy mới chính hãng Mitsubishi như hợp đồng giữa 2 bên, không chấp nhận sửa chữa hư hỏng. Song song đó, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu rút tên Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu ra khỏi danh mục những đơn vị đủ điều kiện đóng tàu theo NĐ 67/CP.
“Sau hội nghị này, Bộ NN&PTNT sẽ có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về thực trạng những tàu cá vỏ thép tại Bình Định đóng theo NĐ 67/CP bị hư hỏng để Chính phủ có hướng chỉ đạo xử lý kịp thời” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÂN