Trước kỳ thi vào lớp 10: “Bí kíp” để đạt điểm cao
Chỉ còn 3 ngày nữa, khoảng 18.000 học sinh lớp 9 trong tỉnh sẽ bước vào kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Ngoài kiến thức đã học, đã ôn thời gian qua, điều thí sinh quan tâm nhất hiện nay là cách làm bài để đạt điểm cao. Hy vọng những chia sẻ của thủ khoa kỳ thi cấp tỉnh Nguyễn Thị Mỹ Hiền và thủ khoa Trường THPT Quốc học Quy Nhơn Lê Ánh Minh của kỳ thi vào lớp 10 năm học trước sẽ giúp ích cho các thí sinh.
Thí sinh dự kỳ thi tuyển vào lớp 10 sẽ làm ba bài thi tự luận các môn: Ngữ Văn, Toán và Tiếng Anh. Nội dung thi nằm trong phạm vi chương trình THCS, chủ yếu là ở lớp 9. Kỳ thi diễn ra trong hai ngày, 13 và 14.6. Ngày 13.6, sáng thi Ngữ Văn (120 phút), chiều thi Tiếng Anh (60 phút). Ngày 14.6, sáng thi Toán (120 phút). Các môn Ngữ Văn, Toán tính điểm hệ số 2, Tiếng Anh hệ số 1.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Phước Thắng, huyện Tuy Phước trong một buổi học ôn tập môn Toán.
Biết câu nào làm câu đó
Đó là cách làm bài ở cả ba môn thi của cựu thủ khoa cấp tỉnh năm học 2016 - 2017 Nguyễn Thị Mỹ Hiền, và cách này đã giúp Hiền có được tổng số điểm cao nhất tỉnh: 46,25 (Toán 9,75; Ngữ Văn 9; Tiếng Anh 8,75).
“Bài toán về phần Hình học có tới 3 - 4 câu. Đọc xong đề, em vẽ hình vào giấy nháp, rồi ngồi nhìn hình và nghĩ trong đầu cách giải, sau đó mới vẽ hình vào giấy thi. Câu nào làm được em làm trước, câu nào phải suy nghĩ thêm, em để lại, chọn tiếp câu khác làm”, Hiền nhớ lại.
Đồng tình với quan điểm làm bài của Hiền, cựu thủ khoa Trường THPT Quốc học Quy Nhơn Lê Ánh Minh từng đạt 9,5 điểm môn Tiếng Anh chia sẻ thêm, môn Tiếng Anh sẽ có một số câu (chiếm khoảng 1 điểm) thuộc dạng “lắt léo”. “Hãy để những câu đó lại làm sau cùng. Đừng cố suy nghĩ và trả lời khi mình chưa thật chắc chắn”, Minh khuyên.
Trả lời băn khoăn về việc nếu bài 1 có ba câu nhỏ (a, b, c), thí sinh chỉ chọn làm mỗi câu b rồi làm sang bài 2a, 3d…, thì cách trình bày bài cần phải như thế nào để tạo cho giám khảo sự thoải mái, Hiền và Minh tư vấn: Thí sinh hãy ghi rõ câu mình chọn làm và trình bày sạch sẽ.
“Gặp những bài mình đã nắm chắc được điểm trong tay thì nên trình bày sạch sẽ, cặn kẽ, càng kỹ chừng nào tốt chừng đó để người chấm nhìn vào bài thấy được nỗ lực của mình”, Minh chia sẻ.
Xử lý sai sót trong bài làm
Cả Hiền và Minh đều đồng tình rằng, viết chữ đẹp là một lợi thế lớn của thí sinh, nhưng một bài làm sạch sẽ dễ tạo được cảm tình với giám khảo, đồng thời giúp họ tránh được những sai sót đáng tiếc trong lúc chấm bài.
“Sai sót trong quá trình làm bài là điều thí sinh khó tránh khỏi. Trong bài làm môn Ngữ Văn, em cũng phải gạch bỏ một vài từ dùng chưa chính xác. Cách xử lý của em là đặt thước gạch qua chữ viết sai một lần”, cựu thủ khoa cấp tỉnh kể.
Với cựu thủ khoa Trường Quốc học Quy Nhơn, không phải là một vài lần dùng sai chữ cần phải gạch bỏ như Hiền và là cả một ý rất quan trọng bị bỏ sót. Trường hợp này phải xử lý như thế nào?
“Em làm xong bài nghị luận văn học thì thấy còn dư thời gian được 10 phút nên ngồi đọc lại bài và “tá hỏa” khi phát hiện bài viết thiếu một ý rất quan trọng. Không thể viết đủ ở phía trên, em nghĩ đến cách mở ngoặc kép đánh dấu sao (*) ngay chỗ bị thiếu, rồi xuống cuối bài, ghi: Bổ sung câu 2 chỗ đánh dấu (*), rồi thoải mái viết hết ý đó vào”. Kết quả, bài làm môn Ngữ Văn được xử lý khéo léo đó nhận số điểm “ngọt ngào”: 8,5 điểm.
“Nhất định phải đem theo đồng hồ vào phòng thi!”
Đây là một trong những bí quyết quan trọng của các cựu thủ khoa!
Khi đọc đề xong, họ tự sắp xếp thời gian trong đầu, phân chia cụ thể khoảng thời gian nhất định dành giải quyết từng phần nội dung trong đề thi. Suốt thời gian làm bài, họ thường xuyên nhìn vào đồng hồ, nỗ lực kiểm soát nội dung bài làm đúng thời gian biểu đã vạch ra từ đầu.
Chủ động về thời gian còn là cách các cựu thủ khoa thoải mái “tung tẩy” câu chữ một cách chủ động với mục đích tạo ấn tượng với giám khảo môn Ngữ Văn.
“Đề thi môn Ngữ Văn thường chia làm hai phần: đọc hiểu và viết luận. Em dành 2/3 thời gian cho bài nghị luận văn học (6 điểm), và xem trọng nhất là phần mở bài, vì muốn gây ấn tượng từ đầu với giám khảo. Năm ngoái, em đã viết phần mở bài gần một nửa trang giấy thi. Ngoài ra, nếu đề yêu cầu phân tích thơ thì nên trích thơ vào làm bài, giúp bài làm nhìn dễ chịu hơn”, Minh hướng dẫn.
Cùng khẳng định, các đề thi tuyển sinh vào lớp 10 không quá khó nếu thí sinh đã nắm chắc kiến thức, Hiền và Minh khuyên các thí sinh hãy làm đúng những hướng dẫn của thầy cô ở lớp là sẽ có điểm cao.
“Đừng tự tạo áp lực lớn cho mình trước khi vào phòng thi. Điều quan trọng là phải giữ được bình tĩnh trong phòng thi suốt các buổi thi. Hãy dành ra 5 phút đọc đề trước khi làm. Trong trường hợp đọc đề mà thấy câu nào cũng khó, không làm được câu nào thì hãy coi bài làm như… tờ giấy nháp, cố gắng viết ra hết những gì mà mình biết liên quan đến câu hỏi”, Hiền và Minh bày mẹo.
NGỌC TÚ