Ứng phó với tình trạng ngập úng ở khu vực đô thị Quy Nhơn: Trọng tâm là mô hình thoát nước bền vững
“Quy hoạch thoát nước TP Quy Nhơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 có tính đến biến đổi khí hậu (BÐKH)” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 1.12.2016. Ðây là một hợp phần của chương trình “Thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó với BÐKH”. Chương trình được triển khai từ năm 2013 tại 13 địa phương trong cả nước, do Tổ chức Hợp tác phát triển Ðức (GIZ) tài trợ, nhằm tăng cường năng lực ứng phó với tình trạng ngập úng ở khu vực đô thị do BÐKH.
Bãi đậu xe công viên biển đường An Dương Vương lát đá granite trên lớp đệm cát sỏi và chừa khe hở lớn giữa các tấm đá lát, giúp tăng hệ số thấm nước mưa tại chỗ, giảm áp lực lên hệ thống thoát nước. Ảnh: TỐ UYÊN
TP Quy Nhơn là một trong những đô thị dễ bị tổn thương bởi BĐKH. Điển hình như nhiều khu vực của thành phố, đặc biệt là phường Nhơn Bình và Nhơn Phú, bị ngập lụt do mưa lớn gây ra dưới tác động của BĐKH và nước biển dâng. Năm 2007, Dự án (DA) Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - Tiểu DA TP Quy Nhơn, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đã xây dựng hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải tại khu vực nội thành, nhằm giải quyết vấn đề ngập úng do mưa. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, DA này chưa tính tới BĐKH vì làm tăng kinh phí đầu tư lớn.
Có thể thấy rằng, việc quản lý nước mưa một cách hợp lý giúp giảm lượng nước tích tụ trên bề mặt khi mưa lớn, từ đó giảm ngập úng. Tuy nhiên, trước đây khi thực hiện một số công trình ở TP Quy Nhơn, ngành chức năng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Dự án lát đá granite vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành là một minh chứng. “Vì bề mặt vỉa hè được lát đá và bên dưới lớp đá lát là một lớp bê tông nên nước mưa không thể thấm xuống đất. Nước mưa chảy tràn xuống đường trong khi hệ thống cống không thoát nước kịp vì có những miệng hố ga bị rác chắn lấp. Vậy nên tuyến đường Nguyễn Tất Thành mỗi khi có mưa là ngập nước, gây trở ngại cho người tham gia giao thông” - ông Võ Thanh Tín, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thẳng thắn thừa nhận.
Câu chuyện đã khác sau khi triển khai thực hiện “Quy hoạch thoát nước TP Quy Nhơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 có tính đến BĐKH”. Quy hoạch này nằm trong định hướng thoát nước toàn tỉnh mà Sở Xây dựng đã tổ chức công bố hồi năm ngoái.
Theo ông Võ Thanh Tín, khác với cách tiếp cận truyền thống chỉ tập trung vào việc thu và chuyển nước mưa thông qua hệ thống thoát nước để thoát nước mưa càng nhanh càng tốt, quy hoạch này có cách tiếp cận quản lý thoát nước đô thị một cách bền vững.
Điểm chính của phương pháp tiếp cận này là Hệ thống thoát nước bền vững (SuDS) và Mô hình quản lý hiệu quả (BMP), nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu, trì hoãn, xử lý và loại bỏ nước mưa bị ô nhiễm trước khi đến nguồn tiếp nhận. Để làm được điều đó, SuDS và BMP tích hợp chức năng thấm, thu giữ, trữ và xử lý nước mưa vào công trình cảnh quan đô thị. Phương pháp này mang tính bền vững, linh hoạt và có thể triển khai với chi phí thấp, đồng thời tạo cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cải thiện chất lượng đời sống người dân đô thị. Tiêu biểu như việc sử dụng lớp đệm cát sỏi thay cho lớp đệm bê tông và chừa khe hở lớn giữa các tấm đá granite dùng để lát bãi đậu xe công viên biển trên đường An Dương Vương; lồng ghép mô hình thoát nước bền vững vào một số dự án hạ tầng của TP Quy Nhơn…
Sở Xây dựng cũng khuyến cáo tất cả các DA đầu tư xây dựng nộp cho Sở thẩm định cần áp dụng mô hình thoát nước bền vững. “Sở đã kiên quyết trả lại hồ sơ của nhiều DA, trong đó có DA mở rộng đường Xuân Diệu, vì lý do chưa đề xuất áp dụng mô hình thoát nước bền vững. Dự kiến, sau khi áp dụng thí điểm thành công tại TP Quy Nhơn, mô hình này sẽ được nhân rộng cho các đô thị khác trên địa bàn tỉnh” - ông Tín cho hay.
“Mô hình thoát nước bền vững đã có từ lâu trên thế giới nhưng với Việt Nam là mới và được áp dụng thí điểm tại 5 tỉnh thành thuộc chương trình của GIZ. Trong đó, Sở Xây dựng Bình Định đã chủ động đưa mô hình thoát nước bền vững vào thực tế xây dựng công trình. Bình Định là địa phương thực hiện tốt nhất” - bà Trần Thanh Thủy, chuyên gia của GIZ, chia sẻ.
“Quy hoạch thoát nước TP Quy Nhơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 có tính đến BÐKH” gồm 2 giai đoạn.
- Giai đoạn 1, đến năm 2020, tập trung quy hoạch thoát nước cho hệ thống tuyến cống chính thu gom và thoát nước mưa trong khu vực lập quy hoạch, chưa tính đến yếu tố BÐKH.
- Giai đoạn 2 có tính đến yếu tố BÐKH, tầm nhìn đến năm 2050.
Phương pháp quy hoạch tiếp cận theo 2 bước:
- Bước 1: Quy hoạch hệ thống cơ bản gồm cống, hồ chứa, trạm bơm cần có để xử lý lượng mưa thiết kế trong điều kiện hiện tại, tầm nhìn đến năm 2020.
- Bước 2: Quy hoạch hệ thống tổng thể bao gồm các hạng mục quản lý nước trên mặt đất, thích ứng với ảnh hưởng dự kiến xảy ra trong tương lai do BÐKH, gồm nhiều biện pháp với quy mô khác nhau, như hồ điều hòa, lưu vực trữ nước, mương lọc, hệ thống thấm, mái nhà xanh hay bể chứa nước mưa…
TỐ UYÊN
Mời các nhà quy hoạch xuống Nhơn Bình, Nhơn Phú để mở rộng tầm mắt