Cha mẹ, con và sách
Mấy năm gần đây, chuyện người ta ngày càng ít đọc sách trở thành đề tài dài kỳ. Ðến mức có hẳn một chương trình lớn từ Trung ương đến địa phương nhằm cổ súy cho sách và đọc sách. Ở Bình Ðịnh, nhân Ngày Sách và bản quyền thế giới, UBND tỉnh rất quan tâm đến vấn đề này và có văn bản chỉ đạo khá chi tiết. Chúng tôi muốn bắt đầu câu chuyện về sách từ cha mẹ và con trẻ.
Ông ngoại của Võ Phan Quỳnh Khanh giới thiệu cho các cháu một đầu sách hay.
Chuyện của Khanh và Hân
Khi đặt giả thiết cho Võ Phan Quỳnh Khanh - một cô bé tuy chuẩn bị vào lớp 9 (THCS Lương Thế Vinh, TP Quy Nhơn) nhưng sớm thân với sách và đọc nhiều so với tuổi của em - rằng “cảm thấy thế nào nếu vắng sách”, cô bé có ngay đáp án: “Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ngừng thích hay thôi đọc và thiếu điều kiện để đọc cả!”. Và tôi tin lời em.
“Sách hay, sách tốt và thói quen đọc sách mang lại nhiều giá trị vô giá cho con người, nhất là cho sự hình thành nhân cách ở trẻ nhỏ. Ðây là điều “xưa như trái đất”, phụ huynh nào cũng biết. Thế nhưng, việc tạo dựng thói quen đọc sách cho mình và cho con lại chưa thật sự nhiều trong xã hội hiện nay.
Bản thân tôi tin rằng và khuyên phụ huynh, nhất là có con trong độ tuổi thiếu nhi, hãy tin rằng, trẻ em luôn thích đọc. Vì đọc sách cũng là một kiểu trò chơi, khám phá của các em. Quan trọng nhất là vai trò dẫn dắt ban đầu, nêu gương, chia sẻ, đồng hành của ba mẹ, người thân trong gia đình để trẻ có thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc”
TS Lê Nhật Ký (Trường ĐH Quy Nhơn)
Tự nhận mình là người dễ tính trong việc đọc sách, với sách văn học, trừ trinh thám và kinh dị, còn lại Khanh đều thích đọc, vì theo em “mỗi thể loại, phong cách đều có cái hay riêng”. Những tác phẩm Khanh yêu thích là truyện của Nguyễn Nhật Ánh, truyện cổ Andersen, thần thoại Hy Lạp, sách văn hóa - địa lý về các địa danh, thành phố nổi tiếng trên thế giới… Khanh đọc với thời lượng hài hòa khi trong năm học và ngẫu hứng, mê mải lúc hè, theo một cách đầy nhẹ nhàng, vui thích.
“Đọc sách giúp vốn từ phong phú hơn, diễn đạt điều mình muốn nói thoáng, đa dạng hơn… Càng đọc nhiều, càng có hứng thú đọc hơn”, Quỳnh Khanh đúc kết.
“Vừa rồi ra Hà Nội nhận giải thưởng quốc gia Cuộc thi viết thư UPU, con mua được 3 cuốn sách mới. Với phần thưởng 1 triệu đồng của ông bà ngoại cho thành tích đó, con nhờ mẹ đặt mua trọn bộ Harry Porter bản tiếng Anh trên Tiki, khoái nhất là trúng đợt khuyến mãi, vừa có bộ sách mong ước mà vẫn thừa tiền để… ăn quà”, Khanh nói hồn nhiên.
So với gia cảnh thời cấp I đầy khó khăn, giờ thì nữ sinh Phan Lê Bảo Hân (THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn) đã mua được những cuốn sách yêu thích cho mình, từ sự ủng hộ hết mình của mẹ. Cuốn sách đầu tiên mà Hân đọc cũng là cuốn sách duy nhất có trong nhà khi đó, cuốn “Kinh Thánh”. Đó không chỉ là một cuốn sách tôn giáo mà còn là một kiệt tác văn học của nhân loại. Có lẽ vì sự khởi đầu này mà Hân đặc biệt thích thú với văn học nước ngoài, dòng sách này chiếm đại đa số trên giá sách của em.
“Nhà chỉ có hai mẹ con, tính em lại hơi khép mình nên càng tìm thấy niềm vui, nguồn bầu bạn từ sách. Khởi đầu tình bạn với sách ít nhiều do đặc điểm hoàn cảnh gia đình, tính cách, nhưng sau này khi không khí gia đình hướng ngoại hơn, em vẫn ưu tiên cho sách trước nhiều lựa chọn vui chơi, giải trí vì cảm thấy đọc được một cuốn sách hay thật sự rất thú vị, rất xứng đáng dành thời gian”, Hân chia sẻ.
Mẹ con chị Kim Phúc giữ thói quen kể cho nhau nghe về những cuốn sách hay mỗi người đọc được.
Sự quan trọng của môi trường
Những bạn nhỏ yêu sách và “biết đọc” mà người viết gặp, khởi nguồn đến với sách đều ít nhiều có sự “đưa đường” của người lớn.
Với Quỳnh Khanh, em có môi trường thuận lợi, có thể nói là lý tưởng. Ông ngoại viết văn, dịch sách, bà ngoại và mẹ là giáo viên, tất cả đều yêu sách, siêng đọc. Qua việc đọc truyện, kể chuyện, bày ra những trò chơi về chữ nghĩa giữa ông bà với cháu, mẹ với con rồi nêu vài tựa sách hay để con “đọc thử”, quà cho con là sách…, hứng thú với sách trong Khanh và cả cô chị, Quỳnh Giao, dần nảy nở, nhẹ nhàng mà bền chặt. “Giá trị nhận lại từ sách tạo nên thiên hướng về cảm xúc hướng đến cái đẹp, cái thiện. Điều khiến tôi hài lòng nhất là không khí gia đình nhã nhặn, ấm cúng, thuận hòa, gắn kết. Điều này, “công” của sách không nhỏ”, ông Phan Trọng Cầu, ông ngoại bé Khanh, đúc kết.
Với Bảo Hân, tình yêu sách của em phần nào ảnh hưởng và được ủng hộ từ mẹ - chị Lê Thị Kim Phúc (51 tuổi), một công nhân (đã nghỉ và làm nghề giữ trẻ tại nhà 5 năm nay).
“Thời trẻ mình toàn đọc sách thuê, cũng không có điều kiện lẫn chú tâm đến việc mua sách về nhà. Năm Hân lớp 3, thấy con gần như thuộc Kinh Thánh và một cuốn truyện mỏng con xin từ nhà người bà con, bị mất một góc lớn, nhưng con thuộc cả phần chữ bị mất, từ đó tôi có ý thức sắm sách cho con, cho tiền con mua những cuốn nó muốn. Mẹ con có thói quen, sở thích khuya khuya chụm đầu đọc chung một cuốn sách. Giờ mẹ sinh lười đọc, vì ỷ lại có con đọc xong kể cho nghe”, chị Kim Phúc hạnh phúc nói.
SAO LY