Khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài: Lợi trước mắt, hại dài lâu
Việc ngư dân khai thác thủy sản (KTTS) trái phép ở vùng biển nước ngoài là câu chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi”, song không thể không nói, khi mà hầu như năm nào Bình Định cũng nằm trong “top” các tỉnh, thành trong nước có số lượng tàu và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ vì xâm phạm lãnh hải nước sở tại.
Những lần đi làm việc, tôi hỏi các ngư dân biết vậy là liều, là sai, sao vẫn cứ làm, thì được trả lời vì ngư trường trong nước cạn kiệt, nên họ mới liều sang nước bạn “đánh lén”. Một số nước quy định ngư dân KTTS theo lịch trình, theo mùa, gặp lúc họ chưa đánh bắt mà mình “nhào vô” trước, thể nào cũng trúng đậm. Nói chuyện vì không biết vị trí mà vào ngư trường của người ta là ngụy biện, thực tình hầu như ai cũng biết cả. Biết nhưng vẫn làm liều, làm sai.
Hậu quả, người bị bắt, mất tiền chuộc về; tàu và ngư lưới cụ nhiều khi bị phá hủy tại chỗ. Tiền mất tật mang. Nhớ cách đây mấy năm trước, tôi về Hoài Nhơn - nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh - và chứng kiến cảnh người vợ khóc ngất bên bàn thờ chồng. Thời điểm đó, thi thể chồng bà vẫn chưa được đưa về quê nhà vì vướng thủ tục pháp lý bên Malaysia. Bà bảo đi ông chuyến biển nào cũng lỗ tổn, có lần bị bắt vì xâm hại lãnh hải, mất tiền chuộc. Lần cuối ông chạy sang ngư trường của Malaysia đánh bắt thì bị đột quỵ, đưa vào đất liền cấp cứu không kịp. Chồng mất, con ở tù, tàu cá cũng bị giữ luôn bên đó.
Chồng con lênh đênh biển cả hàng tháng liền, rồi bị bắt bớ vì lý do trên, những người phụ nữ ở nhà chỉ biết thấp thỏm lo âu. Một chuyến biển “đánh lén” không biết lời lỗ bao nhiêu, nhưng nếu so với việc bị bắt, toàn bộ phương tiện bị phá hủy thì coi như khối tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng bị mất trắng. Thiệt hại kinh tế cá nhân là vậy; thể diện quốc gia cũng bị ảnh hưởng.
Mới đây, ngày 8.6.2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2856/UBND-TH gửi UBND các địa phương ven biển, UBND TP Quy Nhơn và các cơ quan liên quan, đề nghị nghiêm túc thực hiện công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam KTTS trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Cụ thể, Chủ tịch tỉnh yêu cầu người đứng đầu địa phương tổ chức, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với chính quyền các địa phương để xảy ra nhiều ngư dân vi phạm lãnh hải, nhất là 2 huyện Hoài Nhơn, Phù Cát. Chủ tịch tỉnh giao cho Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các ngành liên quan kiên quyết không cấp giấy phép KTTS, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu tái phạm, bị giữ chuộc, hoặc tha, hay trốn về nước; tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước giấy phép KTTS trong vòng 6 tháng. Tàu cá vi phạm cũng không được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước.
Với những biện pháp kiên quyết tỉnh đưa ra, nếu chủ tàu, ngư dân tiếp tục KTTS trái phép thì e rằng lợi bất cập hại, thiệt đơn thiệt kép đủ đường.
NGUYỄN NAM