Tình người chốn công đường
Phía sau nỗi đau mất người thân thường là sự hận thù, căm tức. Nhưng trong phiên xử bị cáo Dương Văn Ngà (SN 1987, TP Quy Nhơn) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà TAND TP Quy Nhơn mở ngày 9.6, đã nói lên rằng phía sau nỗi đau, mất mát, có cả sự bao dung, tha thứ.
Bị cáo Ngà trước vành móng ngựa.
Bị hại trong vụ án này là Lê Thị Thanh Trúc (24 tuổi), người bạn trong nhóm của bị cáo và được chính bị cáo chở đi chơi. Cụ thể, vào khoảng 11 giờ 30 phút, ngày 14.2.2017, Nguyễn Văn Vương điều khiển mô tô chở Ngà; Lê Thị Ngọc điều khiển mô tô (của Vũ Văn Quyết) chở Trúc cùng đi lên trạm ra-đa (núi Vũng Chua, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) chơi. Khi đến đoạn giao giữa QL1D với đường bê tông lên trạm ra-đa thì Ngà sang chở Trúc, còn Ngọc thì sang xe của Vương.
Khoảng 14 giờ 40 phút cùng ngày, nhóm Ngà quay về, Vương chở Ngọc đi trước, Ngà chở Trúc chạy sau. Khi xuống dốc, Ngà để xe chạy với tốc độ nhanh, đường lại cong nên đã lạc tay lái chạy xe ra khỏi đường bê tông, lao vào bìa rừng bên phải đường gây ra tai nạn làm Ngà bị thương còn Trúc tử vong sau đó.
Tại tòa, Ngà thừa nhận vì sự chủ quan của bản thân mà đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến người bạn đi cùng thiệt mạng. Bị cáo Ngà nói: “Vì bất cẩn nên bị cáo không kiểm tra thắng xe trước, hơn nữa lúc đó đang vội về nên đã không làm chủ tay lái. Đường đèo dốc, mà chạy nhanh nên không kịp xử trí”.
Trong phần thẩm vấn công khai tại tòa, mỗi lần đại diện viện kiểm sát và hội đồng xét xử (HĐXX) nhắc đến nguyên nhân do lỗi chủ quan mà dẫn đến tai nạn, đôi vai của mẹ bị hại lại run lên bần bật. Ngồi cạnh mẹ của nạn nhân trong suốt phiên tòa, tôi thấu hiểu được nỗi đau đớn của bà khi mất đi đứa con gái. Vậy mà, khi được hỏi ý kiến, nén nỗi đau, người mẹ đáng thương ấy lên tiếng: “Ai mất con mà không đau, nhưng với tình yêu thương, đạo lý làm người, chúng tôi muốn tha thứ”. Cha bị hại cũng tiếp lời: “Giờ con tôi đã mất rồi nên có oán hận hay thù ghét, cháu cũng không thể sống lại. Vì vậy, tôi mong tòa xem xét giảm án cho bị cáo vì gia cảnh bị cáo cũng khó khăn”.
Ngồi lẩn khuất trong đám đông, cha bị cáo cúi đầu, hướng về phía gia đình bị hại như muốn nói lời cảm ơn và tạ tội. Tuy là tai nạn do vô ý, song hậu quả xảy ra lại vô cùng nghiêm trọng. Ý thức rõ hậu quả mình gây ra, bị cáo Ngà cũng khẩn thiết với HĐXX: “Bị cáo biết tội lỗi mình gây ra và ân hận lắm…”.
Ghi nhận sự ăn năn của bị cáo Ngà, song HĐXX bác bỏ đề nghị về mức án quá nhẹ, bởi theo điều 202 Bộ luật Hình sự, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định về ATGT đường bộ gây thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Vì vậy, HĐXX đã thống nhất mức án 9 tháng tù giam đối với bị cáo Ngà.
Kết thúc phiên tòa, những người tham dự lặng lẽ rời đi. Ở lại sau cùng là những người thân của hai gia đình bị cáo và bị hại. Họ nín lặng nhìn nhau, mỗi người đeo đuổi một nỗi niềm riêng... Nhưng có lẽ, sự cảm thông, chia sẻ, tha thứ đã góp phần giúp cả hai bên gia đình xoa dịu được nỗi đau và xua đi không khí nặng nề, lạnh lẽo vốn thường trực ở chốn công đường.
K.ANH