Ông bao đồng
* Truyện ngắn của LÂM KHOA
Cả tháng nay, bà con ở Xóm Ðậu không ai còn thấy cái dáng liêu xiêu của ông Năm Lý hay lom khom dọn rác ngoài cầu Tá, cặm cụi nhổ cỏ chỗ sân Ðiếm nữa. Nhiều người làm đồng, chiều chiều rẽ cầu Tá xuống bến mương rửa ráy chân tay, hổng thấy ổng đâu, thắc mắc: “Quã! Qua nay ông Năm bịnh hay sao không thấy quét dọn gì vậy cà?”, “Ờ hén, chị nhắc tui mới nhớ, chắc ổng vô Bảo Lộc thăm cháu”, “Có đâu, ổng còn ở nhà, cũng hổng đau yếu gì hết, có điều đứa nào ăn ở thất đức ăn nói hàm hồ thành ra ổng ở nhà luôn tận hổm rày, hổng quét dọn gì nữa trơn trọi”.
***
Ðã thành thói quen, thói quen của mấy ông già, trời mới hưng hửng, con chó Mực còn nằm mơ ngủ ư hử, dụi đầu vô đống tro tàn, ông già Năm Lý đã thức dậy, nhen lửa nấu nước pha trà. Ngọn nồm hiu hiu lật từng tàu lá chuối sột soạt, ông lụi cụi súc bình, bỏ trà, chế nước. Gió khẽ phớt phơ trên mái đầu bạc ông già bảy mươi tám tuổi. Ông nhấp ngụm trà đặc, chép miệng rồi khà một tràng dài, dài như tiếng thở than. Ông vấn điếu thuốc rê, lơ đãng đặt lên mép, ông châm lửa. Ông ngồi đăm đăm trên chiếc sạp tre, ánh mắt bâng quơ trong làn khói đục, đăm chiêu nghĩ ngợi miên man. Bất giác, ông đứng dậy, bước phăng phăng ra góc chuồng bò, chỗ đấy có dựng cây chổi đót, cái bênh cùn lưỡi, cái bao cát, cái câu liêm đã mòn hết chấu với cái mê nan. Ông định gom hết mấy thứ đấy lại, vác đi. Mà, tự nhiên ông khựng lại, đứng bần thần, rồi ông tặc lưỡi, thở dài một tiếng nẫu hết ruột gan, rồi lại thất thểu buông mình bên cái ấm trà đã sứt vòi. Ông ngồi tần ngần, tự nói với mình, thôi, ra đó làm gì nữa, mình làm cũng vì một chút lòng. Chúng nó không ủng hộ thì chớ, đằng này nó nói mình điên, mình khùng nữa mới ác nhơn. Ðúng là miệng lưỡi thiên hạ.
Ðã bao năm nay, người trong xóm này đã quen cái bóng nhỏ thó của ông già Năm Lý đổ dài trên nền gạch sân Ðiếm, giữa trưa đứng bóng trời nắng như trút lửa. Lầm lũi nhổ từng cọng cỏ chỉ, bứt từng bụi cỏ gấu, gai buồn ngủ, rồi gom, rồi đổ, rồi đốt. Cái sân Ðiếm quang quẻ, sạch đẹp cũng nhờ một tay ông cần mẫn quét dọn. Ðể những ngày mùng Một, ngày rằm hay cúng Thanh Minh, cúng xóm được tươm tất. Mấy thứ rác rưởi, lá cây, rơm rạ ở đâu tấp vô nằm chương ướng, thấy chướng mắt là ông dọn. Mà nào phải trách nhiệm gì đâu có! Ðiếm là của chung cả xóm, ai cũng phải có bổn phận giữ gìn, việc gì của riêng ông đâu mà cứ lúi húi dọn hoài, dọn miết. Ấy thế mà ông vẫn quét, vẫn dọn, một mình, như cái công việc này đã đeo ách vô cổ ông, tự đời nảo đời nào.
Bà con thấy ông hết lòng vì việc chung như vậy lấy cũng làm mừng, công nhận, xóm mình nhờ có ông già Năm Lý mà đỡ quá đỡ chừng, cái Ðiếm lúc nào tinh tươm, gọn gàng. Trưa trờ trưa trật, trời nắng chang chang như thiêu như đốt mà ông vẫn cặm cụi phơi cái lưng còm ướt đẫm mồ hôi, thấy mà tội! Cô Tám đội nón múc cho ông ca nước đá, xách theo trái chuối ba hương, ông Năm nghỉ tay uống nước, ăn chuối rồi làm tiếp nha ông. Chú Sáu lừa bò tắm đi ngang qua cũng tạt vào mồi cho ông điếu thuốc, trời nắng quá sao hổng để chiều làm cho khỏe bác Năm! Ờ, cũng gần xong rồi, chiều tao còn mắc dọn mớ lá tre ngoài cầu Tá. Chậc, hổng biết thằng ke nào chặt tre mà xả lá đầy ra đấy một đống rồi bỏ đi, hổng ý tứ gì hết trơn.
Chiều chiều, đám trẻ chận bò tụi tui lại thấy ông lầm lũi chỗ cầu Tá, tay quét tay hốt đám lá tre nằm vất vưởng dưới chân cầu. Vài bữa, ông lại xắn ống quần cao quá gối, dò dẫm xuống mương lượm từng miếng mẻ chai, mẻ sành ai vô ý thức liệng xuống đó. Mỗi lần như thế, lại nghe ông càm ràm cảm rảm, đứa khỉ nào quăng bừa bãi vầy hổng biết? Tụi nhỏ tắm mương lớ quớ nó dậm tét chân hết có ngày.
Chạng vạng, tắm rửa xong xuôi, ông hay dạo tà tà dọc xóm chờ cơm chín. Thấy nhà con Cháu Nhỏ phơi phân bò tràn ra đường cái, thằng Phước đổ đống tro ba bữa chưa chịu dọn, vương vãi tứ tung, ông đều nhắc nhỏ: “E hèm, tụi bay chịu khó dọn cho gọn gàng đi chớ, ai lại để đống tro, đống rác nằm chình ình trước nhà vậy, khó coi thấy mồ”, con Nhỏ, thằng Phước tẽn tò dạ ran, con dọn liền ông Năm, sáng giờ mắc túi bụi tù mù nên chửa kịp dọn...
Bấy lâu nay, những việc ông làm đều vô tư hết mình, không chút tính toán vụ lợi cho bản thân. Ấy vậy mà miệng đời cay nghiệt, chua chát, xóm làng người mến ông già thì nhiều, mà kẻ ăn không ngồi rồi chọc phá cũng lắm. Nó cứ nói khơi khơi, hứ, cha già rảnh chuyện, ai mướn ai mượn, làm ba cái trò mèo, già không lo cái phận già đi, bày đặt vẽ vời. Ông nghe, ông biết hết, mà ông không chấp cái ngữ tiểu nhân ấy làm gì. Sáng chiều, bà con vẫn thấy ngày hai buổi ông lọ mọ lúc thì trên sân Ðiếm, khi thì ngoài cầu Tá, vẫn đều đều như cơm bữa.
Thằng Năm con ông, thấy ba mình làm chuyện bao đồng, ban đầu nó cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, không ủng hộ cũng không cấm cản, tự nhủ, ổng già rồi, cũng hổng mấy lăm năm nữa, thích làm gì cứ để ổng làm, miễn hổng đụng chạm gì ai là được. Rồi thì nó cũng nghe bóng nghe gió mấy lời đâm thọc đó, nó tức lắm. Bữa cơm chiều, nó to tiếng la ông: “Con nói lần cuối đó, ba đững có ra làm mấy thứ tào lao ý nữa, nó không biết ơn mình đã đành, đằng này nó còn nói ba bị nầy bị nọ nên đi làm đầy tớ cho thiên hạ, ba nghĩ thử có ngứa gan hông...”.
Ông thả đũa, không nói không rằng, lẳng lặng ra ngồi trên cái sạp tre, ngồi chống cằm, nghe buồn rười rượi.
Bữa sau, tụi con nít chận bò vẫn thấy dáng ông gầy gò nhấp nhô chỗ bến mương, bên hông vẫn giắt cái bao nhỏ đựng mẻ chai mò được. Trời đổ về chiều, bóng mây đỏ ửng kéo theo một ngày buồn tẻ giấu đi xa về phía cuối chân trời. Trong xóm oang oang cái giọng thằng chết dẫm: “Cha già Năm Lý bị khùng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, chuẩn bị được nhận huân chương rồi đó bà con, hề hề...”. Thằng Năm đang cắt cỏ nghe thấy, nó tức đến nghẹn cổ họng. Nó quăng cả bao cỏ, hầm hầm chạy thẳng ra bến mương. Nó cầm tay, kéo ông sền sệt một mạch về tới nhà. Nó hét:
- Ðấy! Ba thấy sướng thây chưa, nó còn nói ba bị điên, bị khùng kia. Dẹp, dẹp hết, từ mai ở nhà nghỉ cho con nhờ.
Nó đá cái bi đông ông dỡ nước lăn lông lốc, hậm hực đi thẳng ra đống rơm, bỏ mặc ông đứng thất thần. Ông già chôn chân như trời trồng, mấy nếp nhăn ép chặt khóe mắt ông, miệng ông trệu trạo mếu hẳn qua một bên, đôi vai gầy guộc của ông run lên bần bật...
Hôm sau, hôm sau, rồi hôm sau nữa, cả xóm không ai còn thấy ông già Năm Lý trên sân Ðiếm hay ngoài cầu Tá cả. Họ chỉ thấy ông chiều chiều hay ngồi trên cái sạp tre kê trước hiên, ông ngồi bó gối co ro suốt từ chạng vạng đến tối hẳn, tay khum khum ly trà đậm đắng muốn cháy cổ. Ánh mắt ông đăm chiêu nghĩ ngợi cái gì đó, mông lung mà hun hút...
L.K