Nhà máy đóng tàu chi hàng trăm triệu “ép” chủ tàu vỏ thép 67 rút đơn kiện
Trong khi Tổ thẩm định do Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cùng các cơ quan chức năng đang trong quá trình thẩm định 18 tàu vỏ thép gặp sự cố tại Bình Định thì có nhiều thông tin cho rằng ngư dân đòi rút đơn kiện do phía Công ty đã chi tiền để “thương lượng” riêng với chủ tàu.
Tuy vậy nhưng khi trao đổi với Báo SGGP thì hầu hết các ngư dân đều khẳng định họ không hề có ý định rút đơn kiện và nhận tiền của cơ sở đóng tàu.
Mới đây, ngư dân Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định - Chủ tàu cá vỏ thép số hiệu BĐ 99245 TS đã gửi 2 lá đơn tường trình gửi lên UBND tỉnh Bình Định và các ban ngành liên quan, về sự việc mình bị Công ty Nam Triệu lừa, để phủ lấp những giả dối mà công ty này đã gây ra trong thời gian qua.
Trong đơn tường trình của ông Sơn cho hay, vào lúc 9 giờ sáng ngày 5.6.2017, ông Nguyễn Hoàng Tân – Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu và ông Bùi Hữu Hùng – Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu mời ông Sơn đi uống cà phê tại quán Xưa và Nay tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để “chia sẻ tình cảm” về số phận máy tàu của ông Sơn bị hỏng.
Ông Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99245-TS, bị hỏng lốc máy, trục máy chính
Thế nhưng, sau đó hai vị đại diện Công ty Nam Triệu đã thương lượng sẽ đưa cho ông Sơn 100 triệu đồng, nếu ông Sơn gửi đơn rút tất cả hồ sơ gửi các cơ quan chức năng, đồng thời công ty này sẽ sớm lắp máy cho ông Sơn. Cùng với đó, hai vị này đề nghị ông Sơn viết văn bản đề nghị và văn bản thỏa thuận.
“Họ bảo tôi viết đơn, nhưng tôi không biết viết nên sau đó ông Nguyễn Hoàng Tân đã vào khách sạn DELIGHT Quy Nhơn (TP Quy nhơn) đánh máy, rồi bảo tôi ký vào đó” -Đơn tường trình của ông Sơn ghi rõ.
Khi nghe lại những điều kiện trong các văn bản do ông Tân đánh máy thấy nhiều chỗ chưa hài lòng, ông Sơn yêu cầu chỉnh sửa lại nhưng phía đại diện công ty này nói rằng “anh cứ ký không sao đâu”. Ông Sơn nói cần phải có ý kiến của gia đình và tham khảo thợ khác về việc lắp máy mới rồi sẽ trả lời chính thức. Ông Sơn đã ký nhưng với điều kiện, 3 ngày sau sẽ trả lời chính thức.
Trưa ngày 7.6, ông Sơn gặp lại ông Tân để trả lại số tiền 100 triệu đã nhận “làm tin” trước đó, vị giám đốc này cũng đã nhận lại số tiền trên. Không dừng lại ở đó, ông Tân tiếp tục thuyết phục gia đình sẽ lắp tàu ngay vào ngày 12.6, để tàu ông Sơn được ra khơi sớm nhất. Vị này dọa rằng, “nếu chú (ông Sơn-PV) không đồng ý thì họ lập biên bản ra tòa, sẽ mất rất nhiều thời gian, có khả năng sang năm 2018 mới xong”. ( Trích đơn tường trình của ông Sơn).
Đơn tường trình tố cáo Công ty TNHH Nam Triệu “bịt miệng” ngư dân của chủ tàu Trần Đình Sơn
Ngoài ra, chủ tàu Thái Văn Duyệt (tàu vỏ thép BĐ 99160-TS) cũng phản ánh rằng, vào ngày 4.6, ông Nguyễn Hoàng Tân có gặp vợ chồng ông để thương lượng sẽ hỗ trợ hỗ trợ 200 triệu đồng, đồng thời yêu cầu ông Duyệt rút đơn khiếu nại công ty nhưng ông Duyệt không đồng ý, nên bất thành.
Nhiều ngư dân đang có tàu vỏ thép NĐ-67 hư hỏng tại Cảng Đề Gi cũng phải ánh đến chúng tôi rằng, bên phía đại diện công ty đã đặt điều kiện, đưa ra thương lượng với các chủ tàu nhưng họ đều không đồng ý vì số tiền quá ít so với con tàu trên dưới 20 tỷ của họ.
“Tàu tui trên 21 tỷ đồng, cả một tài sản lớn như vậy giờ chỉ yêu cầu họ phải khắc phục toàn diện chứ lấy 300 triệu về làm cái gì. Như chuyến biển thứ 2 tui đi đó lỗ 450 triệu cả tổn lẫn bạn… giờ lấy 300 triệu về ra biển lỗ cái nữa thì hết luôn. Lấy tiền họ làm cái gì, giờ chỉ yêu cầu họ sửa lại tàu toàn diện và bồi thường tổn thất lỗ biển thôi…” – Anh Phạm Minh Vương (36 tuổi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), chủ tàu vỏ thép BĐ 99144-TS, 880CV cho biết.
Chủ tàu Phạm Minh Vương (36 tuổi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), chủ tàu vỏ thép BĐ 99144-TS, 880CV bị hư hỏng máy, sắt thép dụng cụ đánh bắt
Chủ tàu Nguyễn Văn Lý (ngụ huyện Phù Mỹ), tàu vỏ thép BĐ 99004-TS phản ánh thêm: “Cách đây 2, 3 ngày Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã đến cảng Quy Nhơn và đưa 500 triệu đến 600 triệu để chúng tôi rút đơn kiện, nhưng chúng tôi không đồng ý. Bởi, tàu chúng tôi bị bị hư hỏng quá nặng, thép thì gỉ sét do bị tráo thép Trung Quốc, gọng lười không đánh bắt được, máy thì trong hợp đồng 1,4 tỷ giờ lắp máy nhỏ có 400 triệu, 500 triệu gì đó thì làm sao chấp nhận được. Giờ không có rút đơn kiện, để nhà nước họ can thiệp thôi. Cái gì phải rõ ràng, thỏa đáng chứ mập mờ vậy ai chịu được.”
Về việc này, ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu thông tin: Về việc này thì phía ngư dân hiểu sai ý chúng tôi, việc rút hồ sơ là để công ty và nhà máy có thời gian sửa chữa, chúng tôi đã mời các chuyên gia Hàn Quốc sang rồi. Đó chỉ là phía công ty hỗ trợ cho ngư dân trong lúc chờ sửa chữa, còn hãng máy vẫn phải khắc phục các sự cố của các tàu. “Còn về ông Sơn, chúng tôi có làm biên bản thỏa thuận 3 bên (công ty, hãng máy, ngư dân). Hiện tại ngư dân Sơn đã trả lại 100 triệu đồng cho phía công ty" – Ông Hùng thừa nhận.
Trưa 10.6, trao đổi với Báo SGGP, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay, rất bất ngờ khi nghe đến chuyện các ngư dân rút đơn kiện. Hiện Sở chưa có nhận một đơn thư nào, hay ngư dân nào đến yêu cầu rút đơn kiện cả.
Thế nhưng, trước đó ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định thông tin với báo chí, đã có 7 ngư dân tại Bình Định đã làm đơn xin rút khiếu nại Công ty Nam Triệu và đề nghị không thẩm định độc lập tàu vỏ thép hỏng của họ. Quan điểm của tỉnh Bình Định đến thời điểm này là dù ngư dân có rút đơn khiếu nại thì Tổ thẩm định vẫn tiếp tục công việc để xác định nguyên nhân hỏng tàu và trách nhiệm thuộc về ai.
Theo NGỌC OAI (SGGP)