Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Đông Nam Á
Hôm nay (12.6), Triển lãm Công nghệ và Hệ thống phòng thủ hàng hải hàng không châu Á (MAST) sẽ được khai mạc gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Sự kiện là dịp để chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy quan hệ quốc phòng và gia tăng ảnh hưởng của Tokyo tại Đông Nam Á.
Xe tăng Type-10 của Nhật Bản đang được lực lượng tự vệ sử dụng.
Đại diện các nước Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã được Bộ Quốc phòng Nhật Bản mời tham dự một hội thảo quân sự, được tổ chức riêng biệt với triển lãm, song lại nhằm mục đích thu hút sự tham dự của các đại diện Đông Nam Á tại triển lãm vũ khí chuyên dụng duy nhất của Tokyo.
Vì sao chính phủ Nhật Bản lại muốn lôi kéo sự tham dự của các đại diện Đông Nam Á tại cuộc triển lãm vũ khí lần này đến như vậy?..
Khác với những năm trước, thời điểm người Nhật Bản còn e dè về sự trở lại của chủ nghĩa quân phiệt nên các công ty Nhật Bản vẫn còn ngần ngại trong việc quảng cáo các sản phẩm quốc phòng của họ.
Song, kể từ khi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, rất đông công ty Nhật Bản tham gia triển lãm năm nay, trong đó có những hãng chế tạo vũ khí hàng đầu như Mitsubishi Heavy Industries.
Dự kiến một loạt các sản phẩm và công nghệ mới, bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường, mô hình nguyên mẫu phương tiện đổ bộ, công nghệ dò mìn và các màn trình diễn hệ thống giám sát radar laze, sẽ được trưng bày tại triển lãm.
Chính phủ Thủ tướng Abe muốn thúc đẩy hợp tác công nghệ quân sự và mua bán vũ khí là một điểm nhấn mới trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản tại Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông.
Ước tính mỗi năm số lượng hàng hóa được vận chuyển qua Biển Đông lên đến khoảng 5 nghìn tỷ USD, phần lớn trong số đó xuất phát hay đến từ Nhật Bản.
Năm 2014, chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được thực thi trong nhiều thập niên qua, một phần để cắt giảm chi phí mua sắm bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất vũ khí, song cũng nhằm mục đích cho phép Nhật Bản, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, sử dụng công nghệ vũ khí để lôi kéo các mối quan hệ quân sự thân thiết hơn.
Thị trường vũ khí Đông Nam Á đang gia tăng và Nhật Bản đang có tham vọng thay thế Trung Quốc trở thành nhà cung cấp thiết bị quân sự cho khu vực. Vấn đề của các nước Đông Nam Á là chi phí, trong khi Trung Quốc lại chào hàng giá rẻ.
Hồng Hà (Theo AFP)