Hội thảo quốc tế về gốm cổ Bình Ðịnh: Cơ hội để nhận được những đánh giá đa chiều, sâu rộng
Nhằm tổng kết, đánh giá những thành tựu nghiên cứu về gốm cổ Champa ở Bình Ðịnh, làm rõ vai trò của dòng gốm này trong đời sống văn hóa của Hoàng cung Thăng Long, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đang đề nghị UBND tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về gốm cổ Bình Ðịnh thời kỳ vương quốc Vijaya.
1.
Nhiều năm qua, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành phối hợp Sở VH-TT, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định tổ chức nhiều cuộc điều tra, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học tại các di tích văn hóa Champa ở TX An Nhơn. Qua đó, có những phát hiện giá trị về gốm cổ Bình Định.
Từ các cuộc khai quật tại Hoàng thành Thăng Long - di tích mà Viện được giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học - các nhà khoa học tìm được nhiều hiện vật gốm niên đại khoảng thế kỷ 15, có nguồn gốc từ Bình Định. Đây là bằng chứng sinh động phản ánh sự giao lưu về kinh tế, văn hóa giữa vương quốc Champa với Đại Việt vào thời Lê sơ.
Các hiện vật gốm thu được trong cuộc khai quật khảo cổ học di tích Thành Cha (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) lần thứ hai năm 2016.
Những phát hiện khảo cổ học tại các di tích mộ táng, di chỉ cư trú, hay trên các con tàu đắm ở Philippines, Indonesia... cũng có nhiều hiện vật liên quan đến gốm Bình Định. Đây là cơ sở để giới nghiên cứu đánh giá các lò gốm ở Bình Định thuộc vương quốc Vijaya từng phát triển rất mạnh mẽ; sản phẩm gốm từ đây có chất lượng cao, không chỉ phục vụ thị trường gần như Đại Việt mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trong vùng Đông Nam Á.
2.
Những thông tin trên là cơ sở để cuối tháng 3.2017, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh cùng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Đại Việt” (thế kỷ 11 - 15).
Theo đề xuất của Viện, thành phần tham dự Hội thảo gồm các nhà nghiên cứu ở trong nước, quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực khoa học, các nhà sưu tập gốm cổ Việt Nam và nghệ thuật Champa... nhằm góp phần đánh giá đa chiều, sâu rộng hơn về giá trị gốm cổ Bình Định.
Đồng thời thông qua đồ gốm, tại Hội thảo, những vấn đề liên quan đến lịch sử giao lưu kinh tế, văn hóa giữa vương quốc Vijaya với kinh đô Thăng Long và các nước Đông Nam Á cũng được đặt ra. Đây cũng là cơ hội cho việc quảng bá giá trị di sản văn hóa Champa ở Bình Định đến bạn bè quốc tế.
Cách đây gần 2 tháng, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và thống nhất chủ trương tổ chức Hội thảo quốc tế, dự kiến vào tháng 10.2017. Sau buổi làm việc, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giao cho đơn vị trực thuộc là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành phối hợp cùng Sở VH-TT tỉnh triển khai các bước tiếp theo.
3.
PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, cho biết: “Lãnh đạo tỉnh Bình Định và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam muốn Hội thảo là cơ hội để gốm cổ Bình Định nhận được những đánh giá đa dạng, đầy đủ, mang tầm quốc tế. Là đơn vị nhận nhiệm vụ trực tiếp phối hợp thực hiện, Trung tâm đã liên hệ các nhà nghiên cứu có uy tín nhiều nước trên thế giới, mời họ tham gia Hội thảo. Dự kiến, vào cuối tháng 9, Trung tâm sẽ phối hợp lần đầu tiên khai quật Gò Cây Me ở xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn, nhằm tìm kiếm thêm những phát hiện về gốm cổ Champa, đồng thời phục vụ cho việc tham quan tìm hiểu của giới nghiên cứu khi họ về dự Hội thảo...”.
Ngày 7.6 vừa qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã thành lập Ban soạn thảo, tổ chức xây dựng tập san “Gốm kiến trúc đền tháp Champa Bình Định”, để tiến hành chọn lọc giới thiệu một số hiện vật gốm tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại kho cơ sở và trưng bày tại Bảo tàng. Tập san sẽ có những bài viết về quá trình phát hiện, sưu tầm, lưu giữ và trưng bày gốm kiến trúc đền tháp Champa ở Bình Định; nhận định chung về kỹ thuật, đặc trưng phong cách gốm kiến trúc Champa; giới thiệu về các loại phù điêu gốm trang trí, gốm kiến trúc các ngôi tháp...
Ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Tập san sẽ cung cấp những tư liệu mới, chưa từng được ấn phẩm nào đề cập đến, nhằm phục vụ cho Hội thảo quốc tế, giới thiệu đến các nhà nghiên cứu và khách tham quan những bộ sưu tập hiện vật ở Bảo tàng, cũng như góp một phần nhỏ trong công tác nghiên cứu về kỹ thuật, mỹ thuật của gốm kiến trúc tháp Champa tại Bình Định... Dự kiến, tập san sẽ hoàn thành vào tháng 8.2017”.
HOÀI THU