AN TOÀN PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ
Phòng cháy thiết bị trên trụ điện: Cần giải pháp căn cơ
Dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cột điện phải đeo nhiều hộp công tơ, các loại dây khác nhau buộc túm lại chằng chịt… trên các đường phố Quy Nhơn và các vùng nông thôn của tỉnh. Những “tổ nhện” này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào.
Cháy, nổ: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo Cảnh sát PC và CC tỉnh, tình hình tai nạn cháy, nổ diễn ra ngày càng phức tạp theo chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Trong đó nổi lên là tình trạng cháy, nổ các thiết bị trên trụ điện. Điều này không chỉ gây tổn thất tiền bạc cho ngành điện mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sự an toàn về tính mạng, tài sản của người dân.
Trụ điện tại đường Lê Đức Thọ - Đặng Văn Ngữ dây nhợ chằng chịt, nhiều dây đã chùng võng xuống đường, người dân phải cột vải vào để cảnh báo (ảnh chụp sáng 12.6).
Thống kê của Cảnh sát PC và CC tỉnh cho thấy, từ tháng 8.2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 60 vụ cháy, nổ thiết bị điện công cộng, chủ yếu trên địa bàn TP Quy Nhơn, với 49 vụ. Lực lượng Cảnh sát PC và CC tỉnh đã phối hợp với Công ty Điện lực Bình Định và người dân kịp thời cứu chữa, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra ở nhiều vụ cháy.
Điển hình như ngày 19.5.2017, đã xảy ra 2 vụ cháy thiết bị trên cột điện tại KV9 phường Nhơn Bình và trụ điện tại số 51 Thành Thái, TP Quy Nhơn, khiến hàng trăm hộ dân trong vùng bị mất điện cục bộ. Bà Trần Thị L., một người dân sống gần đường Lưu Hữu Phước (Quy Nhơn), cho biết: “Chưa kể các hộp công tơ bị rỉ sét, dây nhợ trên trụ điện ở đây chằng chịt, bị chùng võng xuống đường. Để đảm bảo an toàn, người dân đã dùng vải cột lên dây để cảnh báo. Trong các dịp tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã có kiến nghị yêu cầu ngành điện bắt thêm cột, lắp mới cũng như chia hộp công tơ ra để tránh nguy cơ cháy, nổ nhưng vẫn chưa thấy động thái của ngành chức năng”.
Thực hiện chủ trương của Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT), ngành điện đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông treo mạng cáp truyền dẫn lên hệ thống cột điện có sẵn. Tuy nhiên, số lượng dây cáp ngày một tăng, việc sắp xếp chưa triệt để, nhiều doanh nghiệp viễn thông bỏ lơ, không phân loại, không thu hồi những dây đã không còn sử dụng, làm ảnh hưởng khả năng chịu lực của cột điện. Nhiều nơi, cáp viễn thông không được bó gọn, gây mất mỹ quan đô thị, nguy hiểm cho người và phương tiện khi chùng võng. Đây cũng là một nguyên nhân gây mất an toàn vận hành lưới điện.
Giải pháp nào?
Theo đại tá Phạm Đình Trung, Phó Giám đốc Cảnh sát PC và CC tỉnh, nguyên nhân cháy các thiết điện công cộng thường là do thiết bị điện và đường dây dẫn điện bị quá tải; một số thiết bị phân phối điện cũ, xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu truyền tải và cung cấp điện năng; mặt khác, lại bị tác động từ thiên tai.
Thời gian qua, mặc dù ngành điện đã có quy định cụ thể về việc treo cáp viễn thông trên cột điện; đồng thời cũng thường xuyên gửi văn bản tới các cơ quan chủ quản đường dây cáp viễn thông nhằm bảo đảm mỹ quan và an toàn cho hệ thống điện, nhưng sự hợp tác còn hạn chế. Về phía mình, “mỗi năm ngành điện đầu tư trung bình khoảng 140 tỉ đồng để nâng cấp dung lượng, sửa chữa, duy tu hệ thống điện đảm bảo chất lượng phục vụ tốt hơn. Ngoài ra, năm 2016 đơn vị đã tiến hành chỉnh trang 26 km cáp khu vực TP Quy Nhơn. Năm 2017, đã xây dựng kế hoạch chỉnh trang trên 52 km cáp trong toàn tỉnh và đến nay đã thực hiện được gần 24 km. Còn lại, dự kiến hoàn thành trước mùa mưa năm nay”, ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho biết.
Với riêng TP Quy Nhơn, ông Đặng Quốc Phong, Phó Giám đốc Điện lực Quy Nhơn, cho hay: Để đảm bảo an toàn PCCC các thiết bị trên cột điện, đơn vị đang tích cực triển khai các lực lượng kiểm tra thường xuyên đường dây của các trạm; sử dụng các thiết bị kiểm tra nhiệt độ như camera nhiệt để kiểm tra vị trí tiếp xúc, hạn chế tình trạng phát nhiệt gây cháy. Đồng thời, Điện lực Quy Nhơn cũng vừa hoàn thành việc chỉnh trang cáp trên các trụ điện tại 11 tuyến đường trong nội thành.
HỒNG PHÚC