Người dân 2 thôn Bình Chương và Lại Khánh (xã Hoài Ðức, Hoài Nhơn): Sống cạnh sông, khắc khoải chờ nước sạch
Nhiều năm nay, trên 3.600 người dân ở 2 thôn Bình Chương và Lại Khánh (xã Hoài Ðức) nằm dọc bên bờ Nam sông Lại, hàng ngày phải sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, bốc mùi hôi tanh...
Thiếu nước... bên bờ sông
Thôn Bình Chương có 520 hộ với 2.143 nhân khẩu. Theo ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Nhất, những năm 2002 trở về trước, khi nạn khai thác cát chưa rầm rộ và ngày càng khốc liệt như hiện nay, nguồn nước trên sông Lại dồi dào nên người dân thoải mái sử dụng nguồn nước ngầm hợp vệ sinh từ hàng trăm giếng đào. Rồi giếng đào truyền thống dần cạn kiệt, người dân phải khoan giếng sâu từ 30 - 40 m mới có nước dùng. Nhưng, 4 - 5 năm trở lại đây, nước giếng khoan của khoảng 85% hộ dân cũng bị nhiễm phèn nặng, nhà nào cũng phải xây hoặc lắp đặt bể lọc để xử lý, song chỉ 1 - 2 tuần là lại phải thay than, cát một lần do phèn đóng cục phủ kín mặt lọc.
Hồ lọc nước xi măng 2 ngăn của bà Võ Thị Minh Huệ ở xóm Hạ Bình, thôn Bình Chương luôn bị phèn lấp kín.
Nhà bà Võ Thị Minh Huệ (65 tuổi) cách bờ sông chỉ một vườn dừa, nhưng giếng nhà bà là một trong những giếng bị nhiễm phèn khá nặng. Giếng khoan sâu đến hơn 40 m, nước bơm lên rất trong nhưng chỉ một lúc sau nước ngả màu vàng hoặc màu sẫm, nổi váng và có mùi khó chịu. Bà Huệ nói: “Nếu dùng nước trực tiếp nấu ăn thì chỉ nửa tháng là dưới đáy xoong, nồi đầy cặn vàng. Tôi phải xây thêm bể lọc 2 ngăn, bể chứa và máy lọc mới đủ nước để ăn uống hàng ngày”. Còn cụ Nguyễn Văn Trinh (75 tuổi) than: “Dùng nước này thì không thể pha được một ấm trà thơm ngon đậm đà được. Nếu thèm trà, liều pha, lập tức nước chuyển sang màu tím đen, bên trên nổi đốm lềnh bềnh óng ánh, trông nhợn cả người. Bà con rất lo ngại dùng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe...”.
372 hộ với 1.414 nhân khẩu ở thôn Lại Khánh liền kề hiện cũng đang mong chờ nguồn nước sạch. Ông Võ Văn Thông (54 tuổi), Trưởng thôn Lại Khánh, cho biết, hiện gần 100% hộ dân vẫn phải dùng nước qua các loại bể lọc tạm thời để tắm giặt, và mua nước đóng bình để nấu ăn, uống. Ông Lê Văn Hùng bức xúc: “Nước giếng nhà tôi sau khi bơm lên khoảng 1-2 tiếng thì tức khắc chuyển sang màu vàng đục. Nếu tắm bằng nước này thì người ngứa ngáy kinh khủng. Nhiều năm qua, nguồn nước ám ảnh chúng tôi vào từng bữa ăn, giấc ngủ. Chúng tôi mong được sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình”.
Nước sạch: Chờ đến bao giờ?
Cả hai ông trưởng thôn Nguyễn Văn Nhất và Võ Văn Thông đều khẳng định nguyên nhân dẫn đến nguồn nước ngầm ven sông Lại bị nhiễm phèn nặng như hiện nay chủ yếu là do tình trạng khai thác cát quy mô lớn và liên tục diễn ra trên sông Lại.
Chỉ trên một đoạn sông dài khoảng 2 km, từ nơi hợp lưu 2 dòng Kim Sơn và An Lão xuôi về phía hạ lưu đến giáp xóm Hạ Bình thuộc thôn Bình Chương, nhưng có đến 3-4 đơn vị được cấp phép khai thác cát. Các đơn vị này luân phiên và liên tục khai thác cát trong nhiều năm liền làm nguồn cát trên bề mặt lòng sông ngày càng cạn kiệt. Lòng sông ở nhiều nơi chỉ còn trơ lại đất sét, màu nước luôn đục ngầu. Ngoài ra, hàng năm, đoạn sông ngắn này còn phải “gồng mình” nhận hàng chục tấn rác thải đủ các loại nguy hại từ thượng nguồn trôi về dồn ứ tại đây. Các chất thải dần phân hóa, ngấm xuống lòng đất làm cho nguồn nước ngầm bị nhiễm sắt, nhiễm phèn khá nặng.
Được biết, thôn Bình Chương và Lại Khánh chỉ cách Xí nghiệp cấp nước số 2 thuộc Công ty CP cấp thoát nước Bình Định (đóng trên địa bàn khối Trung Lương, thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn) chừng 1 km theo đường chim bay. Trước những yêu cầu bức xúc của người dân, năm 2014, chính quyền xã Hoài Đức kiến nghị với UBND huyện phối hợp với Xí nghiệp tiến hành khảo sát, xây dựng đề án cấp nước sạch trên địa bàn xã. Kinh phí dự toán đầu tư hệ thống nước sạch lên đến 10 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, nói: “Do đề án không nằm trong kế hoạch ban đầu nên không được huyện hỗ trợ, còn nguồn xã hội hóa thì vượt ngoài khả năng của địa phương và nhân dân, nên đành ngậm ngùi chờ đợi. Tuy nhiên, trước yêu cầu bức thiết và chính đáng của người dân, đề nghị các cấp và ngành chức năng xem xét, giải quyết...”.
Còn ông Tôn Long Tặng, Bí thư Chi bộ thôn Bình Chương, bộc bạch: “Vì quá bức xúc, chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, hết UBND huyện lại trực tiếp qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp. Chúng tôi phải chờ bao nhiêu lâu nữa mới có nước sạch để dùng hàng ngày?”.
DIỆP BẢO SƯƠNG