Hiệu ứng domino đảo ngược của châu Âu
Ngày 12.6, kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Hạ viện Pháp vòng 1 cho thấy, đảng Nền cộng hòa tiến bước (REM) của Tổng thống Emmanuel Macron và các đồng minh đã giành chiến thắng vang dội với 32,32% số phiếu ủng hộ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp gỡ cử tri sau khi bỏ phiếu
Còn ở Italia, kết quả sơ bộ cho thấy, đảng Phong trào 5 Sao (M5S) bài châu Âu đã bị loại khỏi cuộc đua giành chức thị trưởng tại tất cả các thành phố lớn trong cuộc bầu cử địa phương tổ chức ngày 11.6.
Định hình lại nền chính trị Pháp Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, đảng REM và đồng minh là đảng Phong trào dân chủ (MoDem) đã bỏ xa phe cánh hữu tới 21,56% và dẫn trước đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) của bà Marine Le Pen 13,2%. Theo giới phân tích, với số phiếu áp đảo giành được ở vòng 1, đảng REM cùng liên minh là MoDem có thể giành từ 400-445 ghế trong tổng số 577 ghế Hạ viện ở vòng 2 sẽ diễn ra vào ngày 18-6. Đây có thể là sự ủng hộ đa số lớn nhất mà một tổng thống Pháp có được trong khoảng 60 năm qua, qua đó giúp tân Tổng thống Pháp thực thi các chương trình cải cách lao động, kinh tế và xã hội đầy tham vọng của mình, như những gì ông đã cam kết trong quá trình tranh cử. Kết quả này cũng cho thấy, nền chính trị Pháp đang được định hình lại với tương quan mới giữa các lực lượng chính trị, trong đó đảng REM được thành lập cách đây hơn 1 năm, đang nắm giữ vị trí trung tâm; hai đảng truyền thống là đảng Xã hội và đảng Những người Cộng hòa, vốn thay nhau nắm quyền ở Pháp trong gần 60 năm qua, đã thất bại nặng nề. Các chuyên gia phân tích chính trị nhận định, Tổng thống Macron đã vượt qua cuộc sát hạch quan trọng, mở đường thực thi cương lĩnh thay đổi nhằm xây dựng một tương lai tươi đẹp hơn cho đất nước và người dân Pháp. Ngay sau khi kết quả bầu cử vòng 1 cuộc bầu cử Hạ viện Pháp được công bố, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chúc mừng Tổng thống Macron về thành công to lớn của đảng REM. Tại Paris, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định, nước Pháp đã trở lại, đồng thời cho rằng kết quả này là sự xác thực cho chiến lược hết sức thuyết phục của ông Macron. Châu Âu không sụp đổ dây chuyền Ở Italia, đảng M5S đã bị loại khỏi cuộc đua giành chức thị trưởng ở tất cả thành phố lớn trong cuộc bầu cử địa phương tổ chức ngày 11.6. Những ứng cử viên dẫn điểm tại các thành phố lớn đều thuộc các chính đảng truyền thống trung hữu hoặc trung tả. Thậm chí tại TP Genoa - quê hương của nhà lãnh đạo đảng M5S Beppe Grillo, các ứng cử viên giành được số phiếu cao nhất để có thể lọt vào vòng 2 cũng thuộc phe trung tả hoặc trung hữu. Trong cuộc bầu cử địa phương lần này, đảng M5S có ứng cử viên tranh cử tại 225/1.004 thành phố và thị trấn. Kết quả bầu cử này đồng nghĩa với việc, cử tri Italia đã giáng cho đảng M5S một đòn khá nặng vào tham vọng giành chức thủ tướng lần đầu tiên của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức vào năm 2018. Với các kết quả mới nhất từ 2 cuộc bầu cử ở Pháp và Italia, Tạp chí Chính sách đối ngoại bình luận đã có hiệu ứng domino đảo ngược của châu Âu, không nước nào đi theo Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Nhận thức về sự sụp đổ dây chuyền sắp xảy ra ở châu Âu sau sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) là không có cơ sở thực tế. Chẳng hạn, Tây Ban Nha đã tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sau cuộc trưng cầu ý dân ở Anh. Nó đã dẫn đến một nhiệm kỳ mới cho Mariano Rajoy, nhà lãnh đạo đảng Nhân dân trung hữu. Không có một đảng nào lập luận ủng hộ Spexit (Tây Ban Nha rời khỏi EU); ở Áo cũng vậy. Theo công ty thăm dò IFOP, sự ủng hộ của công chúng dành cho EU đã tăng lên 2 con số ở Đức (18%), Pháp (19%), Bỉ (11%), với Tây Ban Nha và Italia cũng ghi nhận những sự gia tăng đáng kể sau Brexit. Ở Đan Mạch, Phần Lan và Hà Lan, các cuộc thăm dò dư luận gần đây đã ghi nhận những cải thiện về chỗ đứng của EU từ thời điểm đen tối nhất vào năm 2011.
Theo ĐỖ CAO (SGGP)