Khủng hoảng Qatar ảnh hưởng tới các nước châu Á
Các quốc gia châu Á đang nỗ lực thúc giục các nước vùng Vịnh nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Qatar do lo ngại số phận của những người lao động của mình đang làm việc tại quốc gia vùng Vịnh này.
Các tổ chức tuyển dụng lao động ở châu Âu đang rất quan tâm tới tình hình lao động của mình đang làm việc tại Qatar.
Vài ngày sau khi một loạt quốc gia vùng Vịnh gồm: Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bahrain, Yemen, Ai Cập và Maldives cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra thông báo kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết những khác biệt thông qua một tiến trình đối thoại mang tính xây dựng và đàm phán hòa bình.
Thông báo cũng nhấn mạnh, các cuộc đàm phán hòa bình cần hướng tới một giải pháp dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Ấn Độ, nước có quan hệ gần gũi với Trung Đông, hiện có hơn 8 triệu lao động đang làm việc tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Theo thống kê không chính thức, Qatar đang tiếp nhận hơn 600.000 lao động của Ấn Độ. Số lượng lao động của Ấn Độ đang sinh sống và làm việc tại Qatar đông gấp đôi so với số người dân bản xứ đang sinh sống tại Qatar.
Phần lớn lao động Ấn Độ làm việc tại các công trình xây dựng, các công ty thương mại và những dịch vụ khác. Họ thường chuyển thu nhập của mình về nước và giúp Ấn Độ trở thành nước có lượng kiều hồi từ nước ngoài chuyển về lớn nhất thế giới.
Ngân hàng Thế giới ước tính Ấn Độ đã tiếp nhận gần 63 tỷ USD kiều hối trong năm ngoái, vượt Trung Quốc với 61 tỷ USD và Philippines với gần 30 tỷ USD.
Pakistan và Bangladesh cũng nằm trong số 10 nước có lượng kiều hối từ nước ngoài chuyển về lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Qatar trở thành nước có lượng kiều hồi chuyển tới Ấn Độ lớn thứ 5 thế giới và lượng kiều hối chuyển tới Philippines, Bangladesh lớn thứ 6 thế giới trong năm 2014.
Ngoài kiều hối, Ấn Độ còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung ứng khí gas tự nhiên của Qatar để đáp ứng nhu cầu nội địa khá cao. Theo thống kê, Ấn Độ đã nhập gần 3,4 tỷ USD khí gas tự nhiên từ Qatar trong năm 2016, chiếm 62% tổng lượng khí gas nhập khẩu từ nước ngoài. Qatar cũng là nhà cung ứng khí gas lớn nhất cho Pakistan, chiếm 42% tổng lượng khí gas nhập khẩu hàng năm của Islamabad.
Các nước châu Á đang chọn những giải pháp khác nhau để đối phó cuộc khủng hoảng ở Qatar. Ấn Độ đã ban hành thông báo chính thức nói trên, song một số thành viên quốc hội đã đề nghị Thủ tướng Sushma Swaraj không cần thiết can thiệp vào tình hình Qatar khi có chuyến thăm tới Doha.
Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif lại sốt sắng hơn khi tới Saudi Arabia để có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà. Phát biểu với báo chí ở Kazakhstan hồi tuần trước bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ông Sharif nhấn mạnh rằng, Pakistan sẽ nỗ lực hết sức nhằm lấp khoảng trống khác biệt giữa các quốc gia Ả rập. Động thái trên được xem là nỗ lực của chính phủ Pakistan nhằm bảo vệ cho 120.000 công dân đang sống và làm việc tại Qatar.
Một số nước khác lại vấp phải khó khăn trong việc giải quyết những khó khăn liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Qatar. Chẳng hạn như Bangladesh, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Dhaka chỉ có thể theo dõi tình hình ở Qatar, cho dù mối lo ngại từ cộng đồng doanh nghiệp nước này về diễn biến ở Qatar ngày càng gia tăng.
Qatar là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có nhu cầu khá cao trong việc tiếp nhận thường xuyên lao động của Bangladesh. Dhaka đã đưa hơn 400.000 lao động sang làm việc ở Qatar, chiếm thứ ba trong tổng số lao động Bangladesh đang làm việc tại các nước vùng Vịnh.
Phần lớn lao động Bangladesh làm việc theo hợp đồng hợp pháp, điều này giúp đảm bảo lao động nhận được gần như tất cả chi phí sinh hoạt gồm tiền ăn ở, chi phí thuốc men từ chủ sử dụng, song ngoại trừ lương thực.
Kể từ khi khủng hoảng xảy ra, người dân Qatar đã đổ xô nhau tới các cửa hàng thực phẩm để mua dự trữ, khiến tình hình thực phẩm đang trở nên khan hiếm. Saudi Arabia là nước cung cấp thực phẩm lớn nhất của Qatar.
Bangladesh phải phụ thuộc vào Tổ chức Di trú Quốc tế để chuyển lao động về nước trong tình trạng khẩn cấp. Cả chính phủ Bangladesh và các tổ chức tuyển dụng đều không có đủ năng lực tài chính để đưa tất cả 400.000 lao động về nước.
Hồng Hà (Theo Nikkei Asian Review)