Xu hướng tăng trưởng dựa trên năng suất là cơ hội cho Việt Nam
Theo bản cập nhật Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất của Conference Board, sự khởi sắc mang tính chu kỳ cộng với sự phục hồi năng suất sẽ nâng tốc độ tăng trưởng toàn cầu lên 2,9% trong năm 2017, cao hơn so với mức 2,5% của năm ngoái.
Quang cảnh các tàu bốc dỡ hàng hóa tại cảng Container Quốc tế Cái Lân. (Ảnh: Hoàng Phương/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại cuộc họp báo công bố bản cập nhật Triển vọng Kinh tế, các chuyên gia của tổ chức tư vấn kinh tế danh tiếng Conference Board đánh giá rằng các chỉ số kinh tế tại tất cả các khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang trỗi dậy, đều có sự khởi sắc.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn khiêm tốn. Môi trường chính sách bất ổn và khó lường của Mỹ, các cuộc đàm phán về vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sự cần thiết phải cải tổ các thể chế châu Âu được Conference Board xác định là những nhân tố chính cản trở đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, các thị trường mới nổi đang tiến hành một loạt điều chỉnh mang tính trung hạn, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm. Báo cáo của Conference Board cũng nêu bật một số thách thức khác đối với nền kinh tế thế giới như: các chính sách tiền tệ vẫn gây áp lực lên các thị trường tài chính; tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, song nguồn cung ứng lao động đang trở nên khan hiếm do dân số già; mức độ đầu tư trên phạm vi toàn cầu mới chỉ khởi sắc đôi chút; năng suất lao động tăng nhưng chưa đạt tới sự cải thiện mang tính cơ cấu, sự trỗi dậy của Trung Quốc trên toàn cầu, và đặc biệt là tại châu Á-Thái Bình Dương, phụ thuộc vào một loạt nhân tố trong và ngoài nước, trong đó bao gồm cả những nguy cơ vỡ nợ. Bên cạnh đó, còn phải kể đến những rủi ro kinh tế từ Trung Đông gia tăng, bắt nguồn từ những rạn nứt chính trị và giá dầu bất ổn và các đồng tiền chủ chốt có thể mạnh lên do đồng USD giảm giá trị so với đồng euro và đồng tiền của các thị trường mới nổi. Trong bài phát biểu giới thiệu bản cập nhật Triển vọng Kinh tế toàn cầu, nhà kinh tế trưởng của Conference Board, ông Bart van Ark nhấn mạnh: "Lòng tin của giới kinh doanh và người tiêu dùng tăng lên, các thị trường chứng khởi sắc, chu kỳ công nghiệp toàn cầu có sự chuyển biến, và tốc độ mậu dịch toàn cầu gần đây gia tăng - tất cả đều cho thấy những động lực tăng trưởng kinh tế mang tính chu kỳ mạnh lên." Tuy nhiên, ông van Ark cảnh báo rằng sự phục hồi, được dựa trên sự cải thiện về năng suất, có thể tiêu tan nếu như giới kinh doanh không đẩy nhanh tốc độ đầu tư cho công nghệ mới. Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về việc xu hướng tăng trưởng dựa trên sự cải thiện năng suất của nền kinh tế thế giới nói chung có tác động như thế nào đến những nền kinh tế nhỏ đang phát triển như Việt Nam, ông van Ark cho rằng những tiến bộ công nghệ đang mở ra cơ hội để những quốc gia như Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng kỹ thuật số nhằm hướng tới sự tăng trưởng bền vững. Nhà Kinh tế trưởng của Conference Board cũng giảm nhẹ những tác động bất lợi mà đồng USD yếu đi hay những điều chỉnh có thiên hướng bảo hộ trong chính sách mậu dịch của Mỹ có thể gây ra đối với những nền kinh tế vốn dựa nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ như Việt Nam. Ông cho rằng đồng USD giảm giá có thể gây ra một số khó khăn nhất định lên hoạt động xuất khẩu của những nước như Việt Nam sang Mỹ, song mức độ ảnh hưởng là không đáng kể. Mặt khác, sự suy yếu của đồng USD trong chừng mực nào đó có thể giúp thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ từ Mỹ sang những nước có trình độ khoa học còn thấp. Tương tự, chính quyền mới của Mỹ, tuy đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đang theo đuổi một số điều chỉnh theo hướng bảo hộ mậu dịch, song thời gian tới sẽ tích cực xem xét việc ký kết những hiệp định mậu dịch song phương. Ông van Ark cho rằng Washington sẽ sớm đạt được một hiệp định mậu dịch tự do với Việt Nam vì một thỏa thuận như vậy làm lợi cho cả hai quốc gia./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)