Các trường không được điều chỉnh đề án tuyển sinh
Theo bà Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT, chỉ có thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng còn các trường không được điều chỉnh đề án tuyển sinh đã công bố.
Bà Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ tuyển sinh ĐH năm nay có nhiều quy định mới thuận lợi hơn cho thí sinh như thời gian đăng ký sớm hơn, thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng và sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký.
Việc thời gian đăng ký xét tuyển đại học sớm hơn giúp thí sinh có đích phấn đấu, chuẩn bị đồng thời các trường cũng nắm được tỉ lệ dự kiến thí sinh đăng ký vào trường mình để có kế hoạch tuyển sinh phù hợp.
Việc không giới hạn số lượng nguyện vọng không chỉ giúp thí sinh trúng tuyển cao hơn mà quan trọng hơn là có thể chọn được ngành nghề mình yêu thích phù hợp với năng lực.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, có tới 80% thí sinh đăng ký dưới 5 nguyện vọng trở xuống, 98% đăng ký 10 nguyện vọng trở xuống. Duy nhất 1 thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng.
Vấn đề điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia nhằm mục đích giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển.
Tuy nhiên, bà Phụng nhấn mạnh: Chỉ thí sinh mới được điều chỉnh nguyện vọng còn các trường khi đã công bố đề án tuyển sinh thì không được điều chỉnh, tránh hiện tượng như trường hợp của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa qua.
Xử lý mạnh tay nếu tuyển vượt chỉ tiêu
Theo bà Phụng, năm nay thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất. Vì vậy, tỉ lệ thí sinh ảo năm nay sẽ thấp hơn năm 2016.
"Chúng tôi đã khuyến cáo các trường không thể mang kinh nghiệm lọc ảo của năm ngoái để lọc ảo cho năm nay, gọi dự phòng ảo quá nhiều dẫn đến tăng chỉ tiêu, giảm chất lượng đào tạo" - bà Phụng nói.
"Nếu với công cụ hỗ trợ các trường lọc ảo như năm nay mà các trường vẫn tuyển vượt chỉ tiêu thì chắc chắn sẽ có xử lý mạnh tay, kiên quyết hơn".
Hiện tại, ở 2 miền Nam Bắc đã hình thành 2 nhóm trường xét tuyển chung. Nhóm phía Nam đã có 72 trường tham gia, nhóm phía Bắc đã có 50 trường tham gia. Số lượng trường tham gia các nhóm xét tuyển vượt qua dự đoán của Bộ GD-ĐT.
2018 các trường tự xác định điểm sàn
Bà Phụng cho biết, năm nay là năm thứ 3 của quá trình đổi mới tuyển sinh theo tinh thần của Nghị quyết 29. Nhìn một cách tổng thể thì chính sách tuyển sinh không phải mỗi năm đều đổi mới khác đi mà năm sau đều có sự kế thừa của năm trước.
Chẳng hạn, trong quy chế tuyển sinh năm 2017 quy định rõ một số điểm chỉ áp dụng cho năm 2017 như tỉ lệ tổ hợp truyền thống, điểm sàn... Đồng thời cũng có những quy định ghi rõ năm 2018 trở đi các trường phải làm gì.
Cụ thể, từ năm 2018 trở đi, trong đề án tuyển sinh các trường phải cung cấp thông tin về tỉ suất đầu tư cho 1 sinh viên, tỉ lệ việc làm của sinh viên hay tự xác định điểm sàn...
Từ đó, bà Phụng cho rằng, các quy định từ năm thứ 3 trở đi là bắt đầu ổn định, không có nhiều sự thay đổi trong những năm tiếp theo.
Theo Lê Văn (Vietnamnet)