Vụ tàu vỏ thép: Chờ thẩm định mới đánh giá được đúng sai
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm về vụ tàu vỏ thép ở Bình Định, ông Vũ Thái Hệ - phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản), đơn vị thực hiện đăng kiểm toàn bộ số tàu này - nói:
- Với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), tổ thẩm định độc lập kiểm tra sơ bộ cho thấy 8/9 máy là không chính hãng. Năm tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, kiểm tra tại thời điểm là vỏ tàu Trung Quốc mác A, theo quy định là đủ tiêu chuẩn đóng tàu.
* Tuổi Trẻ: Thưa ông, cơ quan đăng kiểm có chấp thuận việc thay đổi này trước khi tàu hạ thủy hay không?
- Đăng kiểm chỉ kiểm tra hợp đồng kinh tế giữa cơ sở đóng tàu và chủ tàu. Còn loại vật liệu, loại máy chúng tôi không nắm được, chỉ chủ tàu và nhà máy biết. Thời điểm ấy tôi không nghe thấy báo cáo về vỏ thép.
Ông Vũ Thái Hệ
Còn về máy thì thủ tục đăng kiểm là kiểm tra các giấy chứng nhận về xuất xứ, chất lượng, kiểm định ở Vinacontrol xác định máy đưa từ xưởng về và văn bản người ta trình, bản kiểm tra của nhà máy, nếu thấy phù hợp thì cho lắp.
* Tuổi Trẻ: Có phải kiểm tra để xác định đúng đây là máy Mitsubishi, thưa ông?
- Bản kiểm tra tại thời điểm thôi, tại nhà máy thôi, còn nhà máy kiểm tra có đúng không thì chúng tôi không biết được.
* Tuổi Trẻ: Vậy sai sót là ở khâu nào?
- Hiện nay UBND tỉnh Bình Định đã thành lập tổ thẩm định, sau này đúng sai các bên thì đợi tổ thẩm định làm việc, sẽ có quyết định cuối cùng và công bố rộng rãi.
Tổng cục Thủy sản đang có chỉ đạo rà soát các quy trình đăng kiểm tàu cá. Nếu còn gì vướng mắc, không đúng theo quy định sẽ giải trình sau.
* Người Lao Động: Tàu mới ra khơi mà đã trục trặc. Ông nói thép Trung Quốc mác A đủ tiêu chuẩn đóng tàu mà thực tế thì chất lượng kém như vừa xảy ra?
- Đúng là có vấn đề, cơ quan chức năng đang kiểm tra.
* Người Lao Động: Theo ông, có cần cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ vụ việc này?
- Theo tôi, UBND tỉnh đã có văn bản, chủ yếu xảy ra ở hai cơ sở đóng tàu này và chủ yếu là tỉnh Bình Định thôi. Tỉnh đã thành lập tổ thẩm định để làm rõ đúng sai của các bên. Đây là sự cố đáng tiếc.
* Tuổi Trẻ: Công ty Nam Triệu cho rằng nếu đăng kiểm thông báo cho Nam Triệu biết các máy này không phải là máy thủy thì sẽ không cho lắp vào tàu. Ý kiến ông như thế nào?
- Các thủ tục về máy cơ quan bán máy cung cấp đầy đủ, các chứng chỉ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, chúng tôi căn cứ theo hồ sơ để cho xuống tàu. Hiện nay trách nhiệm của từng bên còn đợi tổ thẩm định, lúc đó mới biết được, hiện chưa biết được.
Tổ đăng kiểm giải trình
Tổ đăng kiểm số 3, Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) được phân công giám sát 20 tàu cá vỏ thép Bình Định tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đã có bản giải trình.
Theo đó, tổ đã thực hiện các bước kỹ thuật đăng kiểm đóng mới tàu vỏ thép tại Công ty Nam Triệu, trong các bước có đăng kiểm kiểm tra kỹ thuật máy chính trước khi lắp đặt.
Ở bước này đăng kiểm viên được cung cấp đầy đủ giấy tờ gốc gồm chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, chứng thư giám định.
Báo cáo này viết: “Trách nhiệm của đăng kiểm viên chỉ kiểm tra các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giấy tờ nhập khẩu, chứng thư giám định… có phù hợp với số chìm trên máy và các chỉ số kỹ thuật khác, sau đó đồng ý cho cơ sở đóng lắp đặt để thử tại bến và thử đường dài”.
Theo TTO