Phân loại rác tại nguồn: Bao giờ khả thi ?
Phân loại rác tại nguồn (PLRTN) là khâu đầu tiên và là chìa khóa thành công của hoạt động tái chế, tái sử dụng rác thải; từ đó, góp phần bảo vệ môi trường và mang lại nguồn lợi kinh tế từ rác. TP Quy Nhơn đã triển khai PLRTN từ cách đây gần 10 năm, nhưng đáng tiếc là kết quả không như mong muốn.
Công nhân cơ sở xử lý chất thải rắn và sản xuất phân compost dựa vào cộng đồng tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) đang phân loại rác.
Không bền vững
Năm 2009, Dự án PLRTN do SEMLA (Chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về tăng cường năng lực quản lý đất đai và môi trường) tài trợ được triển khai thí điểm tại khu phố 3, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn. Ông Phan Đăng Khoa, Chủ tịch UBND phường Thị Nại, nhớ lại: “Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quy Nhơn cấp 2 túi đựng rác màu khác nhau cho người dân để đựng riêng rác hữu cơ và vô cơ, đồng thời tổ chức tập huấn tuyên truyền cho đội ngũ tuyên truyền viên là khu phố trưởng, tổ trưởng dân phố và cán bộ phụ nữ… của phường. Hoạt động tuyên truyền được thực hiện qua đài truyền thanh của phường, qua các phương tiện trực quan. Ban đầu, tỉ lệ người dân tham gia khá cao từ 60%-70%. Thậm chí, người dân ở khu phố khác cũng hưởng ứng; nhưng chỉ kéo dài khoảng 2 tháng, số hộ tham gia giảm dần”.
Câu chuyện xảy ra tương tự với hoạt động PLRTN thuộc Dự án “Quản lý chất thải bền vững và vì người nghèo tại các thành phố vừa và nhỏ” do Ủy ban Kinh tế-xã hội-môi trường Liên hiệp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) và tổ chức ENDA (tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực môi trường và xóa đói, giảm nghèo) tài trợ thực hiện giai đoạn 2011-2015, tại khu vực 5, phường Nhơn Phú và xã Nhơn Lý; hay từ năm 2016 đến nay tại phường Nguyễn Văn Cừ và phường Lý Thường Kiệt.
Ông Đặng Nhật Nam, Chủ tịch UBND phường Lý Thường Kiệt, cho hay: “Có tới hơn 90% số hộ dân ở mặt đường lớn trên địa bàn phường tham gia PLRTN, nhưng chỉ 1 tháng sau là bỏ”. Ông Đoàn Văn Khải, chuyên gia truyền thông môi trường và quản lý chất thải rắn cộng đồng, từng làm điều phối viên cho dự án của ENDA, cho biết, hoạt động PLRTN chỉ sôi nổi trong thời gian ngắn khoảng vài tháng, khi có sự hỗ trợ tuyên truyền rầm rộ và phát bao bì đựng rác miễn phí. Dự án chưa đạt được mục tiêu hình thành và duy trì lâu dài thói quen phân loại rác của người dân.
Cần đồng bộ, lâu dài
Hàng loạt nguyên nhân thất bại đã được các bên liên quan, cơ quan và chuyên gia môi trường chỉ ra. Điểm chung nhất là nhận thức của người dân còn hạn chế. Theo báo cáo tham luận của phường Nhơn Phú tại một hội nghị tổng kết hoạt động PLRTN do UBND TP Quy Nhơn tổ chức, chỉ có 7% - 10% số hộ dân ý thức phân loại rác nhưng không thường xuyên, liên tục. Đại bộ phận người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác; vẫn còn suy nghĩ đó là công việc của công ty môi trường vì mình đã đóng tiền phí thu gom rác rồi.
Theo đánh giá của một chuyên gia môi trường, ý thức của người dân chỉ chiếm 30%; nguyên nhân khách quan khác là nhà phố diện tích chật hẹp, bất tiện khi để hai thùng đựng rác hữu cơ và vô cơ riêng trong nhà. Điều kiện khí hậu nóng ẩm khiến rác phân hủy nhanh chóng. Nếu để lâu trong nhà dễ phát sinh mùi hôi thối và ruồi nhặng mất vệ sinh. Có thể khắc phục vấn đề này bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh như một dự án triển khai gần đây tại xã Nhơn Lộc - TX An Nhơn, nhưng chi phí khá cao so với mặt bằng mức sống của người dân (80.000 đồng/hộ).
Cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý rác chưa tách riêng cho ít nhất 2 loại rác thải vô cơ và hữu cơ khác nhau. “Người dân đã phân loại rác vào 2 bì khác nhau, nhưng công nhân thu gom rác đổ ụp chung tất cả vào một xe” - ông Nam cho biết.
Nhìn chung, các tổ chức xã hội chưa đủ năng lực để tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng và lâu dài; dẫn đến công tác truyền thông còn mang tính phong trào, chưa thực sự tác động đến từng người dân. Hành lang pháp lý chưa đầy đủ và hoàn thiện, chỉ dừng ở mức định hướng, chiến lược chung chứ chưa có luật hay văn bản pháp quy cụ thể. Chương trình PLRTN được thực hiện thí điểm riêng lẻ ở quy mô địa phương nên thiếu sự chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương. Cả nước chưa có mô hình PLRTN nào thành công nên không có điển hình để học tập.
“Hiện nay, phí thu gom rác chưa hợp lý, chỉ đủ trang trải cho việc thu gom, chưa bao gồm chi phí vận chuyển đến bãi và xử lý tại bãi. Chính quyền cần có chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ rác thải và loại bỏ tâm lý bao cấp. Điều này giúp cho công ty môi trường có nguồn thu để mua sắm xe vận chuyển rác, đầu tư máy móc, công nghệ xử lý rác… Việc tính đúng, tính đủ cũng góp phần làm cho lĩnh vực rác thải hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, từ đó thu hút nguồn lực xã hội hóa. Cũng cần có chính sách khuyến khích thật sự khác biệt, tránh đánh đồng hộ dân phân loại rác và hộ dân không phân loại rác. Ví dụ, hộ không phân loại rác đóng 100.000 đồng/tháng nhưng hộ phân loại rác chỉ đóng 50.000 đồng/tháng. Từ đó, người dân sẽ thấy được lợi ích kinh tế của việc PLRTN và hoạt động tuyên truyền cũng dễ dàng thuyết phục hơn” - ông Khải đề xuất.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN-MT, nêu quan điểm, chưa nên áp dụng chế tài vào lúc này vì Nhà nước chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết. Thay vào đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích người dân PLRTN song song với việc nâng cao tỉ lệ đối tượng không phải là hộ gia đình tham gia PLRTN. Tạo thị trường mua bán phân compost sản xuất từ rác hữu cơ; dần dần xây dựng mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý rác hữu cơ và vô cơ riêng. Tất cả những biện pháp này cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài và đồng bộ để đến một lúc nào đó, mức sống và mặt bằng dân trí nâng cao, việc PLRTN mới có thể trở thành hiện thực.
TỐ UYÊN