40 năm hip-hop ra đời: “Bữa tiệc đã thay đổi thế giới”
Đã 40 năm kể từ bữa tiệc "trở lại trường học" ở khu Bronx của New York - bữa tiệc đã đánh dấu sự ra đời của một phong trào mang tên hip-hop. Kể từ đó cả một nền văn hóa mới đã nảy sinh. Nhân sự kiện, hãng tin BBC đã nhìn lại về buổi tiệc giúp thay đổi thế giới này.
DJ Kool Herc đã thành công trong việc bảo tồn tòa nhà là nơi sinh ra văn hóa hip-hop
Trong một đêm nóng nực vào ngày 9.8.1973, Clive Campbell, "nghệ danh" DJ Kool Herc và em gái Cindy đã mở một bữa tiệc âm nhạc "trở lại trường học" tại một căn phòng nằm trong chung cư của họ ở Đại lộ 1520 Sedgwick, khu Bronx. Phí vào cửa là 25 xu (0,25 USD) cho các "quý cô" và 50 xu cho các "anh chàng".
Bữa tiệc nhỏ, ảnh hưởng lớn
Nếu tính về quy mô, bữa tiệc chẳng hề đặc biệt bởi căn phòng chỉ đủ chứa khoảng vài trăm người. Địa điểm tổ chức bữa tiệc cũng không có gì đặc sắc. Nhưng chính nó đã đóng vai trò như một mồi lửa, thổi bùng lên phong trào hip-hop quốc tế có sức ảnh hưởng tới tận ngày hôm nay. Như Kool Herc đã nói trong một tuyên bố gần đây: "Bữa tiệc hip-hop đầu tiên này đã thay đổi thế giới".
Huyền thoại về sự khởi đầu của hip-hop chỉ ngắn gọn và đơn giản như vậy. Nhưng các yếu tố dẫn tới việc tạo ra một văn hóa hip-hop lại là sự kết hợp của các ảnh hưởng xã hội, âm nhạc và cả chính trị vô cùng phức tạp. Trong cuốn sách mang tựa đề Can’t Stop Won’t Stop: A History of the Hip-Hop Generation (Không thể dừng lại, sẽ không thể dừng: Một lịch sử của thế hệ hip-hop), nhà báo kiêm học giả Jeff Chang thấy rằng hip-hop đã hình thành trong các chính sách "đổi mới đô thị" của Robert Moses (người đã thay đổi bộ mặt New York trong giữa thế kỷ 20) và sự bỏ mặc cư dân khu Bronx của chính quyền Nixon.
Việc xây dựng Xa lộ xuyên Bronx tại New York đã tàn phá nhiều khu dân cư tại Bronx, phá hủy nơi sinh sống và công việc của vô số người da đen, người gốc Mỹ Latin, trong khi chính quyền nhắm mắt làm ngơ với những người lâm cảnh khốn cùng. “Hip-hop không sinh ra với vai trò một phong trào chính trị" - Chang nói với BBC - "Những đứa trẻ bắt đầu phong trào này chỉ đơn giản là muốn tìm cách giải khuây. Chúng chỉ cố tìm sự vui vẻ. Nhưng do chúng lớn lên dưới một bầu không khí chính trị bị bỏ rơi nên hoạt động giải trí của chúng cuối cùng lại chứa các hạt giống của một sự đổi mới văn hóa quy mô lớn".
Tạo sự thay đổi bằng nghệ thuật
Hip-hop đánh dấu một sự thay đổi lớn từ đầu những năm 1970, sau thời gian Cục Điều tra Liên bang Mỹ tiến hành trấn áp các nhóm da màu cực đoan trong những năm 1960 và việc các cuộc chiến băng đảng ở Mỹ giảm đi. Thay vì thực hiện các hành động chính trị, một thế hệ mới đã thể hiện mình thông qua điệu nhảy breakdance, hoạt động chỉnh nhạc (DJ), hát rap và vẽ tranh đường phố (graffiti). Đây được xem là 4 nền tảng cơ bản của hip-hop.
Trong những năm 70, các nhóm nhạc breakdance đã góp sức giúp hip-hop lan tỏa ra toàn cầu
“Các nghệ sĩ hip-hop đã từng bước một khiến thế giới nhận ra họ, nhớ tới họ như những người thiết lập một hình thức nghệ thuật mới đầy hứng khởi" - Marcyliena Morgan, giáo sư nghiên cứu Mỹ Phi tại Đại học Harvard cho BBC biết - "Họ tạo ra các giá trị vượt lên trên vấn đề chủng tộc và vượt lên môi trường sống dường như chỉ có sự tàn phá".
Kool Herc, cùng với Afrika Bambaataa và Grandmaster Flash, là một trong "tam vương" hay "bộ ba thần thánh" trong những ngày đầu của hip-hop. Nhưng theo Chang, câu chuyện của Herc mới chính là nơi tất cả mọi chuyện bắt đầu. “Không có DJ Kool Herc, chúng ta sẽ không thể nói về hip-hop như hiện nay" - ông khẳng định.
Clive Campbell sinh ra tại Jamaica, dọn tới New York sống trong năm 1967 và lấy nghệ danh "Hercules" (viết tắt Herc) do có thân hình lực lưỡng. Cha anh, Keith, có một bộ sưu tập nhạc đa dạng và là kỹ thuật viên cho một ban nhạc địa phương. Ông đã giúp Herc tiếp cận với các thiết bị âm thanh, một sự khởi đầu quan trọng cho sự nghiệp DJ của anh.
Herc bắt đầu chỉnh nhạc tại các bữa tiệc nhỏ trong gia đình, nơi anh phát triển một số cải tiến kỹ thuật quan trọng. Anh sắm hệ thống loa có khả năng phát âm thanh lớn nhất, tìm ra cách để khiến hệ thống âm thanh của mình chơi nhạc lớn nhất, sử dụng 2 bàn xoay (turntable) và một máy trộn để thay đổi các đĩa nhạc.
Herc sau đó đưa văn hóa Jamaica tới Bronx khi mở ra bữa tiệc trở lại trường kể trên. Anh chơi nhạc với tiếng bass lớn, thi thoảng nói vào trong lúc phát nhạc và nhờ bạn Coke La Roc tạo ra các hiệu ứng mạnh tại bữa tiệc tổ chức ở Sedgwick.
Điều quan trọng là trong bữa tiệc này, Herc thấy các chàng trai cô gái tới dự tiệc đã gần như phát điên trước những tiếng gõ đều đặn của nhạc cụ. Anh bắt đầu tìm các đĩa hát có nhiều tiếng gõ lặp đi lặp lại như thế để thỏa mãn các vũ công. Các nhạc phẩm nổi tiếng nhất do anh phát hiện là Bongo Rock và Apache do ban nhạc The Incredible Bongo thể hiện, chỉ toàn âm thanh của nhạc cụ. Các tiếng gõ bongo và conga khiến đám đông nhảy múa lâu hơn. Đó là một sự quan sát đơn giản, nhưng đã giúp tạo ra nền tảng tiếng gõ theo nhịp, một trong những sự đổi mới quan trọng của âm nhạc nhảy múa đương đại.
Gìn giữ nơi sinh ra hip-hop
Do ngày càng có nhiều người thích những bữa tiệc do Herc tổ chức nên tới cuối năm 1973, anh không còn làm DJ trong những không gian nhỏ như tại Sedgwick nữa. Anh dọn tới làm việc ở các CLB lớn như Cedar Park và trong vài năm đã trở thành một siêu sao chính trong khung cảnh âm nhạc của vùng Bronx. Nhưng tới năm 1977, ảnh hưởng ngôi sao của anh đã lu mờ và các DJ đàn em khác ở New York như Afrika Bambaataa cùng Grandmaster Flash đã vươn lên lấn át.
Vậy chuyện gì đã xảy ra với tòa chung cư ở đại lộ 1520 Sedgwick? Năm 2007, Kool Herc đã tham gia vào một chiến dịch ngăn cản việc bán khu chung cư cho các nhà phát triển bất động sản. Căn phòng nơi tổ chức bữa tiệc ngày nào sau đó được chính quyền New York công nhận là "nơi sinh của hip-hop”.
Tuần này, 40 năm sau khi hip-hop ra đời, Herc sẽ trở lại làm DJ cùng với Coke La Roc tại nhiều sự kiện tổ chức quanh New York.
Điều quan trọng là trong bữa tiệc này, Herc thấy các chàng trai cô gái tới dự tiệc đã gần như phát điên trước những tiếng gõ đều đặn của nhạc cụ. Anh bắt đầu tìm các đĩa hát có nhiều tiếng gõ lặp đi lặp lại như thế để thỏa mãn các vũ công.
Theo Tường Linh (Thể thao & Văn hóa/BBC)