Văn hóa là sản phẩm quan trọng nhất của du lịch
Sáng 14.6, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 về quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội. Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội. Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tiếp tục giải trình làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến quy hoạch bán đảo Sơn Trà.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động hơn trong việc tiếp thu ý kiến về Sơn Trà. Còn cuối cùng, ý kiến của Đà Nẵng và ý kiến của tất cả các bên sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
“Tôi tin rằng khi Đà Nẵng chủ động hơn, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp tạo sự đồng thuận trong nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước. Cuối cùng Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần phát triển nhưng phải bền vững”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trả lời đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) về công tác quản lý, bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số thiếu khoa học dẫn đến nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc bị mai một, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết: Bộ luôn xác định công tác quản lý, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải được thực hiện thường xuyên và lâu dài. Các giải pháp cụ thể như định kỳ tổ chức các Ngày hội văn hóa vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên; giao lưu văn hóa tuyến biên giới Việt-Lào, Việt-Campuchia; Liên hoan nghệ thuật truyền thống từng dân tộc như: Mông, Thái, Chăm, Khmer, Hoa… với quy mô toàn quốc. Điều tra, sưu tầm, thống kê, phục dựng các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một. Đến nay đã phục dựng và bảo tồn được hơn 70 lễ hội của đồng bào các dân tộc: Ba Na, Chứt, Khơ Mú, Giáy, Bố Y, Pà Thẻn, Si La…Xây dựng và triển khai dự án Bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống. Đến nay, đã có 25 làng bản buôn của 19 dân tộc, như: S’tiêng, Chăm, Ba Na, Ê Đê, Mường, Thái, Lô Lô, Mạ… được hỗ trợ đầu tư bảo tồn.
“Trong công tác sưu tầm, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống: Bộ đã hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương mở các lớp Truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể cho các dân tộc có số dân rất ít người, như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Si La, Chứt… Các lớp này do chính các nghệ nhân, chủ thể của văn hóa dân tộc-người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy. Bộ đã và đang triển khai thực hiện các dự án bảo tồn trang phục truyền thống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số; Đề án kiểm kê, sưu tầm, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số”, Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong lĩnh vực sáng tác, Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh hoạt động sáng tác, sưu tầm và phổ biến, lan tỏa rộng rãi đến công chúng nhiều tác phẩm chất lượng phản ánh chân thực cuộc sống, con người, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam.Tại các Trường văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Tây Bắc, chuyên đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật với phần lớn sinh viên là con em các dân tộc thiểu số. Ở địa phương, các đoàn văn hóa nghệ thuật, đội văn nghệ cấp thôn, bản thường xuyên xây dựng các chương trình nghệ thuật.
Trả lời đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Dương) về vai trò, trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý nhà nước về hoạt động của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Bộ trưởng cho biết: Hội Nhạc sĩ Việt Nam là cơ quan chủ quản của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Trung tâm có con dấu, tài khoản riêng; được tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Hội Nhạc sĩ Việt Nam có trách nhiệm về tổ chức quản lý, chỉ đạo, đồng thời chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Trung tâm. Trung tâm hoạt động theo Điều lệ của Trung tâm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phê duyệt và thực hiện theo Điều lệ Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
“Theo quy định tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được uỷ quyền. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp. Bộ Nội vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội trong phạm vi cả nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về hoạt động chuyên ngành quyền tác giả, quyền liên quan thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan. Bộ VHTTDL vào cuộc khi Trung tâm hoạt động vi phạm các quy định pháp luật về bản quyền tác giả, quyền liên quan”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đặt câu hỏi: Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, có đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh khi đó về giải pháp phát triển du lịch Việt Nam, bao giờ du lịch Việt Nam sẽ phát triển được như Thái Lan, Campuchia. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói: “Tôi bỏ ngỏ câu trả lời và sẽ để cho Bộ trưởng kế tiếp trả lời.” Liệu đến thời điểm này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đương thời Nguyễn Ngọc Thiện đã có thể trả lời câu hỏi này được hay chưa, giải pháp nào để phát triển du lịch Việt Nam như các nước trong khu vực.
Trả lời câu hỏi của đại biểu này, Bộ trưởng cho biết: 5 tháng đầu năm 2017, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam tăng nhanh, tuy nhiên đã xuất hiện tour du lịch 0 đồng, làm méo mó thị trường du lịch. Muốn phát triển du lịch trước hết phải có quy hoạch, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, theo điều kiện của từng vùng để có các quy hoạch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là làm thế nào để phát triển du lịch nhưng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Trong quy hoạch du lịch có quy hoạch các sản phẩm du lịch.
“Có thể nói rằng vấn đề nguồn nhân lực cho ngành du lịch là vấn đề cấp bách của ngành du lịch hiện nay. Đây là hạn chế của ngành du lịch trong khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Đến năm 2015, chúng ta có 720 nghìn lao động trực tiếp trong tổng số 22,5 triệu lao động liên quan đến du lịch. Chúng ta thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, trong khi tốc độ tăng trưởng ngành du lịch rất nhanh”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Liên quan đến lĩnh vực VHTTDL, đã có 32 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 11 đại biểu tranh luận, còn 25 đại biểu đăng ký nhưng chưa đủ thời gian chất vấn, những vấn đề chưa được trả lời tại hội trường thì Bộ trưởng tiếp tục trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Văn hóa, thể thao, du lịch là lĩnh vực quan trọng đối với kinh tế, xã hội, liên quan đến đời sống, con người và tinh thần của xã hội. Thời gian qua, lĩnh vực này đã có những chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã được đề cao, phát huy. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở có nhiều tiến bộ, môi trường du lịch được quan tâm đầu tư, thu hút khách du lịch ngày càng tăng. Đã kết hợp bảo tồn văn hóa với du lịch. Bên cạnh những mặt đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn như: Công tác quản lý và cấp phép hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn có những sai sót, gây dư luận không tốt, việc quản lý lễ hội buông lỏng, trục lợi, phản cảm, lãng phí nguồn lực xã hội. Việc quản lý, khai thác, quản lý các công trình thể thao kém hiệu quả. Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được coi trọng, tình trạng còn nhiều di tích xuống cấp, nhiều nhà văn hóa, thư viện thiếu trang thiết bị, đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử bị suy giảm, chưa có giải pháp khắc phục rõ nét. Công tác quản lý du lịch còn nhiều bất cập, cơ chế xã hội hóa, phát triển đầu tư du lịch chưa đáp ứng tiềm năng, lợi thế. Sự phối hợp của các ngành trong quản lý du lịch kém hiệu quả.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn sau: Rà soát sớm sửa đổi các quy định về quản lý hoạt động cấp phép, biểu diễn nghệ thuật đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng yêu cầu tổ chức hành chính và phù hợp với thực tiễn. Nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật...
Đối với quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, sớm có giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển chung của cả nước để cử tri, nhân dân Đà Nẵng và cả nước yên tâm.
Theo SONG VŨ (QĐND)