Trẻ em dễ mắc nhiều bệnh khi trời nắng nóng
Trong những ngày nắng nóng kéo dài, mầm bệnh phát triển nhanh, trẻ em rất dễ mắc các bệnh liên quan đến thời tiết như: cảm nắng, cảm lạnh, viêm đường hô hấp, sốt cao co giật do siêu vi, sốt phát ban, tiêu chảy, sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng, bệnh cúm...
Theo số liệu thống kê tại Khoa Nhi - BVĐK tỉnh, trong quý I.2017, bình quân mỗi ngày có 134 bệnh nhân nhi đến khám tại phòng khám bệnh khoa Nhi, trong đó có gần 30 ca phải nhập viện để điều trị.
BSCKII Phạm Văn Dũng - Trưởng khoa Nhi - BVĐK tỉnh cho biết: “Các trường hợp nhập viện tại khoa Nhi thường là viêm phổi nặng, tiêu chảy cấp gây mất nước, sốt cao gây co giật. Trẻ mắc bệnh tăng cao trong mùa nắng nóng là do khi thời tiết nóng, cha mẹ sử dụng máy quạt nhiều, nếu để hơi quạt trực tiếp vào mũi sẽ gây tăng tiết dịch đờm trong mũi họng, tạo điều kiện cho virus vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp đặc biệt là viêm phổi. Bên cạnh đó khi thời tiết nắng nóng làm cho vi khuẩn phát triển, thức ăn dễ bị ôi thiu, khi cho trẻ ăn sẽ gây viêm đường ruột, cũng như độc tố vi khuẩn gây tiêu chảy cấp. Phụ huynh lại thường tự mua thuốc về cho cháu uống, khi bị nặng mới đưa trẻ đến khám và nhập viện điều trị …”.
Để phòng bệnh cho trẻ, ta nên tập cho trẻ có thói quen làm vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình. Cần hạn chế cho trẻ ra đường để tránh khói bụi, nhà cửa phải thông thoáng, tránh hơi quạt thổi trực tiếp vào mũi. Đặc biệt, bố mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng và uống vắc xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng của địa phương để phòng tránh các bệnh thường xảy ra trong mùa nắng nóng.
BS. Dũng lưu ý thêm: “Để phòng tránh một số bệnh có thể xảy ra cho trẻ, chúng ta cần phải quan tâm nhiều đến việc vệ sinh môi trường xung quanh cho sạch sẽ, không để nước ao tù đọng tạo điều kiện cho muỗi phát triển, nhà cửa phải gọn gàng, sạch sẽ, khi ngủ phải mắc màn, ăn chín uống chín, không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc hay bị ôi thiu, và uống đủ nước, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như nước ép trái cây, nước dừa tươi, nước đun sôi để nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật”.
THÙY VY (Trung tâm TT và GDSK)