Triển khai Dự án LRAMP: Góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn
Bình Ðịnh là một trong những địa phương được Bộ GTVT chọn tham gia Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (viết tắt là DA LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vốn vay. Thời gian thực hiện DA từ năm 2017 đến 2021, nhằm nâng cấp, sửa chữa và quản lý tốt mạng lưới đường giao thông, cầu dân sinh tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, ngành GTVT tỉnh đang triển khai thực hiện các hợp phần của DA, đảm bảo theo tiến độ đề ra.
318 tỉ đồng nâng cấp các tuyến cầu, đường
Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Nhiều năm qua, mặc dù UBND tỉnh đã quan tâm bố trí vốn cho công tác sửa chữa, duy tu, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn; song do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên việc duy tu, sửa chữa thường chắp vá, không đảm bảo đúng quy định. Đáng chú ý là tại 12 tuyến tỉnh lộ có đến 128 km đường bị hư hỏng mặt đường, 310 điểm sạt lở mái taluy, 110 cống tiêu thoát nước bị vỡ, 44 cầu bị xuống cấp...
Sửa chữa tuyến ĐT 639B đoạn qua địa bàn xã Cát Lâm (Phù Cát). Ảnh: N.HÂN
Nguyên nhân hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp là do lưu lượng xe cộ trên các tuyến đường ngày càng lớn, tải trọng vượt mức cho phép. Phần lớn nền, mặt đường các tuyến tỉnh lộ ở tỉnh ta chỉ rộng bình quân 5 - 6 m, nên khi phương tiện tránh nhau phải đi xuống bên lề, phá hỏng mặt lề đường. Vào mùa mưa lũ hàng năm, hệ thống giao thông còn phải gánh chịu nhiều đợt lũ lụt, gây hư hỏng và xuống cấp nhanh.
Trước tình hình này, Bình Định là 1 trong 14 tỉnh trong toàn quốc được Bộ GTVT chọn tham gia DA LRAMP với 2 hợp phần gồm: khôi phục, cải tạo đường địa phương và xây dựng cầu dân sinh, với tổng mức đầu tư gần 318 tỉ đồng. Trong đó, hạng mục khôi phục, cải tạo đường gần 202 tỉ đồng; hạng mục xây dựng cầu 116 tỉ đồng. Theo kế hoạch đã được ngành chức năng phê duyệt, trong 5 năm (2017-2021), toàn tỉnh sẽ tiến hành khôi phục, cải tạo khoảng 58 km đường; bảo dưỡng thường xuyên 945 km đường tỉnh, đường huyện; 1.495 km đường xã; xây dựng mới 23 cầu dân sinh.
Việc thực hiện DA LRAMP sẽ giúp tỉnh ta có nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa, bảo trì hệ thống giao thông được tốt hơn, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh và cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, việc thực hiện DA góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức, năng lực cho các cấp chính quyền và tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông địa phương, nhằm kéo dài tuổi thọ công trình và tiết kiệm chi phí đầu tư.
Nỗ lực thực hiện
Nhằm thực hiện có hiệu quả DA LRAMP, Sở GTVT đã phối hợp với Ban quản lý DA Giao thông tỉnh tổ chức triển khai DA và tập huấn công tác bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường cho cán bộ phụ trách lĩnh vực giao thông tại các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, ngành chức năng đã tiến hành lập các bước chuẩn bị đầu tư, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức đấu thầu để triển khai thi công.
Theo ông Ngô Anh Tuấn, Trưởng Phòng Kế hoạch - Thẩm định thuộc Ban quản lý DA Giao thông tỉnh, thực hiện DA LRAMP, trong năm nay, trên địa bàn tỉnh có 10 tuyến đường dân sinh được triển khai nâng cấp, sửa chữa. Cụ thể, đường tỉnh có các tuyến: ĐT 633 (Chợ Gồm - Đề Gi); ĐT 639 (Nhơn Hội - Tam Quan); ĐT 639B (Chương Hòa - Nhơn Tân); ĐT 636B (Gò Bồi - La Nghi). Đối với các tuyến đường huyện, tập trung sửa chữa, nâng cấp các tuyến: ĐH.11 (Tam Quan - Tân Bình), ĐH.43 (Vĩnh Thạnh - Vĩnh Thuận); ĐX.AN.11 (Nhơn Hòa - Trường Cửu); ĐH.37 (Phú Lạc - Hà Nhe), ĐX.AN.74 (Thanh Giang - Tam Hòa); ĐH.HA.35 (cầu Mục Kiến - Xuân Sơn).
Đến nay, Sở GTVT đã phê duyệt hồ sơ và thông báo mời thầu một số gói thầu khôi phục, cải tạo đường địa phương. Trong thời gian đến, đơn vị chức năng sẽ khởi công nâng cấp 3 tuyến đường tỉnh gồm: ÐT 633, đoạn từ km3 - km20+600; ÐT 639, đoạn từ km32 - km35+690 và đoạn từ km53+262 - km53+573; ÐT 639B, đoạn từ km111+25 - km115+938...
Ông Trần Thanh Dũng khẳng định, Sở GTVT cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các sở, ngành, chính quyền các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA LRAMP.
DA LRAMP được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 622/QÐ-BGTVT ngày 2.3.2016, gồm 3 hợp phần chính gồm:
- Hợp phần 1: Khôi phục, cải tạo đường địa phương, thực hiện trên địa bàn 14 tỉnh.
- Hợp phần 2: Xây dựng cầu dân sinh, thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, thành.
- Hợp phần 3: Tư vấn chung.
DA có tổng mức đầu tư trên 9.203 tỉ đồng (tương đương 408,93 triệu USD); trong đó, vốn vay WB là 385 triệu USD (tương đương 8.664,81 tỉ đồng), vốn đối ứng của Việt Nam là 538,58 tỉ đồng (tương đương 23,93 triệu USD).
Mục tiêu của DA LRAMP là phát triển và quản lý tốt mạng lưới đường địa phương nhằm tăng cường tính kết nối và bền vững của toàn hệ thống giao thông phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chia sẻ thịnh vượng; hỗ trợ xây dựng các cầu dân sinh trên các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo đà xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa cho các vùng miền trên toàn quốc.
NGUYỄN HÂN