Nhiều sâu bệnh phát sinh gây hại lúa Hè Thu
Thời tiết nắng nóng kéo dài thời gian gần đây làm phát sinh nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại lúa vụ Hè Thu (HT) trên địa bàn tỉnh. Ðể hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) đã thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tăng cường công tác dự tính, dự báo; khuyến cáo bà con nông dân các biện pháp phòng trừ.
Cán bộ kỹ thuật Chi cục TT-BVTV kiểm tra đồng ruộng tại xã Phước Thành (Tuy Phước). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT-BVTV), vụ HT năm nay, toàn tỉnh gieo sạ 43.542 ha lúa. Hiện nay, lúa vụ HT sớm đang giai đoạn đòng trổ - ngậm sữa; lúa vụ HT đại trà đang giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, liên tục các đợt nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa; đáng chú ý là nhiều đối tượng sâu bệnh đang phát sinh gây hại lúa.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV, cho biết: Qua kiểm tra đồng ruộng đã phát hiện có 47,5 ha lúa HT đại trà chân 2 vụ bị bọ trĩ gây hại, tỉ lệ gây hại phổ biến từ 3-5%, nơi cao từ 15-40%. Các địa phương có diện tích lúa bị bọ trĩ gây hại nhiều gồm Tây Sơn, Phù Cát, An Nhơn. Bên cạnh đó, bệnh khô vằn cũng đã phát sinh gây hại trên diện tích 76 ha giai đoạn đòng trổ trên địa bàn các huyện Hoài Ân, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, với tỉ lệ gây hại phổ biến từ 2-5%; nơi cao từ 10-30%. Nắng nóng kéo dài cũng đã làm một số đối tượng sâu bệnh nguy hiểm khác có nguy cơ bùng phát gây hại cây trồng, như: sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, lem lép hạt, thối thân, rầy nâu - rầy lưng trắng... Ngoài ra, chuột cũng đã phát sinh gây hại lúa HT giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn với diện tích 19 ha.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Định, từ nay đến cuối tháng 6, thời tiết trên địa bàn tỉnh tiếp tục nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại lúa vụ HT. Trong đó, sâu đục thân 2 chấm tiếp tục nở rộ, nếu bà con nông dân không triển khai phòng trừ kịp thời sẽ gây hiện tượng bông bạc cho lúa vụ HT trổ từ cuối tháng 6 trở đi. Các bệnh như: khô vằn, thối thân, lem lép hạt… cũng phát sinh gây hại phổ biến lúa giai đoạn đòng trổ - ngậm sữa. Cần chú ý đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu - rầy lưng trắng nở rộ từ ngày 16 - 26.6 gây hại lúa HT giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh.
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, hiện nay Chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật xuống đứng chân tại địa bàn các địa phương, tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh và thông báo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đối với các diện tích lúa bị nhiễm phèn, nhiễm mặn ven đê khu Đông, Chi cục khuyến cáo bà con nông dân cần tiến hành thau chua, rửa mặn bằng cách cho nước vào ruộng, sau đó rút cạn để rửa phèn, mặn. Thường xuyên giữ nước trong ruộng khoảng 5cm, khoảng 3-4 ngày tháo ra một lần để thau chua rửa mặn, bón vôi cải tạo độ pH của đất. Lưu ý với bà con nông dân nên tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV gồm: đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc, đúng cách.
NGUYỄN HÂN