Thu giá dịch vụ thoát nước: Từng bước xóa trợ cấp từ ngân sách
Từ đầu năm 2017 đến nay, TP Quy Nhơn đã áp dụng thu giá dịch vụ thoát nước (DVTN) thay cho phí bảo vệ môi trường (BVMT). Ðây là bước đầu của lộ trình tăng giá DVTN đô thị trên địa bàn thành phố đến năm 2022, nhằm giảm dần và tiến tới xóa bỏ trợ cấp từ ngân sách cho dịch vụ công ích này.
Cần thiết phải thu giá DVTN
TP Quy Nhơn có dân số gần 300 ngàn người với tốc độ phát triển KT-XH tương đối cao. Điều này tạo ra áp lực, đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống thoát nước tương ứng, để đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống thoát nước đô thị Quy Nhơn chỉ có ở khu vực nội thành với tổng chiều dài đường ống khoảng 176 km. Mạng lưới thoát nước thải cũ khu vực nội thị còn thoát chung với nước mưa và trước đây xả thẳng ra môi trường.
Đo chất lượng nước thải đầu ra tại Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình.
Theo đánh giá của ngành chức năng, 10 năm trở lại đây, hệ thống thoát nước thành phố, đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải được chú trọng đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Chiều dài các tuyến cống ngắn hơn nhiều so với chiều dài đường phố, ngõ xóm. Đường cống và kênh tiêu thoát nước cấp 1, 2 và 3 chưa đi cùng với nhau. Một phần mạng lưới thoát nước được xây dựng từ trước năm 1975 nhưng ít được bảo dưỡng và sửa chữa nên xuống cấp, dẫn đến hiệu quả thoát nước chưa cao. Công tác nạo vét, duy tu phần lớn dựa vào kế hoạch hàng năm nên chưa phát huy hết hiệu quả. Tỉ lệ đấu nối vào đường ống nước thải chỉ đạt khoảng 60%.
Chi phí đầu tư cho hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đòi hỏi rất lớn. “Chỉ riêng trong giai đoạn I (2007-2014), Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, đã đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng” - ông Võ Hữu Thiện, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng, cho biết. Trong khi đó, theo ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định (BIDIWASCO), mỗi năm, tiền phí BVMT do công ty thu chỉ khoảng 26 tỉ đồng. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng cho việc nạo vét hoặc xử lý cục bộ khi xảy ra úng ngập.
Về vấn đề này, ông Võ Thanh Tín, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhấn mạnh: “Để giảm chi ngân sách và đảm bảo duy tu, bảo dưỡng, vận hành, tái đầu tư hệ thống thoát nước đô thị, cần phải có sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân sử dụng nước, xả nước thải vào hệ thống thoát nước thông qua việc áp dụng giá DVTN. Các đối tượng hưởng DVTN phải có nghĩa vụ trả tiền. Việc ban hành giá DVTN cùng với lộ trình tăng giá còn giúp bù đắp chi phí cho các đơn vị vận hành thoát nước; tiến tới có nguồn thu để đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước và công nghệ xử lý nước thải nhằm BVMT, nâng cao ý thức của người dân để giảm xả thải”.
Tính toán thu hợp lý
Có 2 đối tượng phải nộp giá DVTN là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (đối tượng 1) và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không sử dụng hoặc sử dụng một phần nước sạch từ hệ thống cấp nước sạch tập trung nhưng vẫn xả nước thải vào hệ thống thoát nước tập trung (đối tượng 2). BIDIWASCO chịu trách nhiệm thu giá DVTN thông qua hóa đơn thu tiền nước đối với đối tượng 1. Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn thu tiền DVTN thông qua biên lai do cơ quan tài chính phát hành đối với đối tượng 2.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, BIDIWASCO mới chỉ tổ chức thu trên đối tượng 1, với mức giá áp dụng là 1.650 đồng/m3 nước thải. Ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm: “5 tháng đầu năm 2017, công ty đã thu 9,5 tỉ đồng theo giá DVTN và 2,4 tỉ đồng phí BVMT (xã Nhơn Hải không thuộc hệ thống thoát nước tập trung nên vẫn thu phí thay vì thu giá), tổng cộng là 11,9 tỉ đồng, nhỉnh hơn so với 11,2 tỉ đồng thu phí BVMT cùng kỳ năm ngoái. Việc thu giá DVTN nói chung thuận lợi vì công ty đã thực hiện thu phí BVMT cùng với hóa đơn thu tiền nước. Giá DVTN cũng không tăng nhiều so với phí BVMT trước đây. Dù vậy, vẫn còn một số ít hộ dân, chủ yếu ở 2 phường Nhơn Bình, Nhơn Phú và khu vực dân cư trên núi, thắc mắc vì sao thu giá DVTN trong khi những nơi này chưa có cống thoát nước”.
Ông Võ Hữu Thiện cho rằng cần phải giải thích rõ ràng với người dân. Ông nói: “Giá thoát nước đã được cân nhắc tính toán phù hợp và có lộ trình tăng từ từ nhằm tránh gây sốc. Thực chất, mức giá hiện nay vẫn là phí bảo vệ môi trường cộng với 10% thuế giá trị gia tăng. Bắt đầu từ năm 2023, các đối tượng xả thải mới phải chi trả toàn bộ giá thành DVTN. Về vấn đề thoát nước của Nhơn Bình, Nhơn Phú, thành phố đã đưa vào Quy hoạch thoát nước TP Quy Nhơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 có tính đến biến đổi khí hậu, do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ. Giai đoạn II (2017-2022) của Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn tiếp tục đầu tư hệ thống thoát nước của thành phố và ưu tiên khu vực này”.
Cũng theo ông Thiện, Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn cần sớm tổ chức thu giá DVTN với đối tượng 2 để tạo công bằng giữa các đối tượng xả thải. Bởi hiện nay có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ như điểm rửa xe, khách sạn, nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm… sử dụng nước giếng khoan và xả khối lượng lớn nước thải ra môi trường mà không đóng phí BVMT.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn, đề nghị: “Nên thành lập tổ công tác liên ngành để phối hợp khảo sát đối tượng 2 cùng khối lượng nước thải xả ra của đối tượng này. Từ đó, xây dựng kế hoạch thu giá DVTN theo hình thức như thu thuế. Nghĩa là, đối tượng xả thải có thể thỏa thuận về lượng nước xả thải. Nếu cần, có thể lắp đồng hồ đo nước thải nếu kinh phí cho phép. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu đúng bản chất của việc thu giá DVTN”.
TỐ UYÊN