Phòng cháy, chữa cháy rừng: Không được chủ quan, lơ là
Các đợt nắng nóng kéo dài xảy ra thời gian gần đây đã làm cho nhiều khu vực rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm; nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Lê Ðức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô năm 2017.
* Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh trong thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay?
- Vài năm trở lại đây, nạn cháy rừng trong mùa hanh khô trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, số vụ cháy rừng tăng theo từng năm, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế và môi trường. Cháy rừng cũng là nguyên nhân chính làm cạn kiệt nguồn nước, suy thoái đất đai, giảm năng suất mùa màng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Từ đầu mùa khô 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 1,62 ha rừng phi lao và rừng trồng trên địa bàn huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn.
Hiện nay, trước tình hình nắng nóng kéo dài, với nhiều khu vực rừng trên địa bàn huyện Tuy Phước, nguy cơ cháy rừng đang ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp V). Các khu rừng trên địa bàn TX An Nhơn, TP Quy Nhơn, nguy cơ cháy rừng đang ở cấp nguy hiểm (cấp IV). Rừng ở các huyện Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh… đang ở cấp dự báo cháy rừng cao (cấp III).
Lực lượng kiểm lâm diễn tập PCCCR trên địa bàn xã Bình Tân (Tây Sơn). Ảnh: NGUYỄN HÂN
* Trước tình hình đáng lo ngại như vậy, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai những biện pháp gì để PCCCR có hiệu quả?
- Xác định phương châm “Phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời và triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra”, ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 1202/KHBCĐ ngày 10.4.2017 về việc tăng cường công tác PCCCR. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ rừng… thực hiện có hiệu quả các biện pháp PCCCR.
Đến nay, Chi cục đã hướng dẫn các hạt kiểm lâm, các chủ rừng xây dựng, củng cố các tổ, đội bảo vệ rừng (BVR) - PCCCR, thường xuyên tổ chức tuyên truyền công tác BVR-PCCCR; vận động người dân ở các địa phương có rừng quan tâm hơn đối với công tác PCCCR. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các chủ rừng cũng đã thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Vừa qua, Đoàn kiểm tra công tác PCCCR của Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch BVR-PCCCR tỉnh đã tiến hành kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương trong tỉnh. Kết quả cho thấy, các huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn 11/11 ban chỉ huy BVR-PCCCR; 136 ban chỉ huy BVR-PCCCR cấp xã; 549 tổ, đội BVR-PCCCR tại cơ sở với 5.726 người tham gia; 17 ban chỉ huy BVR-PCCCR tại các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp... Vào thời điểm nắng nóng kéo dài như hiện nay, ban chỉ huy BVR-PCCCR các cấp đã cử người trực 24/24 giờ trong ngày khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V.
Đối với những khu rừng dễ cháy, lực lượng kiểm lâm tiến hành rà soát, khoanh vẽ các vùng trọng điểm trên bản đồ PCCCR. Trên bản đồ thể hiện rõ vùng trọng điểm dễ cháy rừng, các hồ, đập, sông, suối, đường giao thông, đường mòn, đường băng cản lửa, các điểm dân cư…; đề phòng nếu có xảy ra cháy rừng thì công tác chỉ huy, huy động lực lượng tham gia chữa cháy được thuận lợi, giảm thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của Dự án nâng cao năng lực PCCCR, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ tỉnh 19 tỉ đồng để mua sắm các thiết bị chữa cháy rừng như: máy thổi gió, máy bơm, máy cưa cầm tay, máy cắt thực bì… Các chủ rừng đã chủ động mua sắm thêm các trang thiết bị và dụng cụ phục vụ PCCCR; xây dựng thêm các chòi canh lửa, phát dọn đường băng cản lửa…, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCCR.
* Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, ông có đề nghị gì với chính quyền các địa phương, các chủ rừng cùng phối hợp với lực lượng kiểm lâm nhằm thực hiện tốt công tác PCCCR?
- Qua đợt kiểm tra của Ban chỉ đạo BVR-PCCCR vừa thực hiện tại các địa phương cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Đáng chú ý là công tác tuyên truyền về BVR-PCCCR tại một số địa phương chưa được thường xuyên, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; chưa xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, rõ ràng. Lực lượng BVR-PCCCR của các chủ rừng còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ, một số người làm nhiệm vụ PCCCR chưa được đào tạo nên hiệu quả thực thi nhiệm vụ chưa cao. Kinh phí phục vụ công tác PCCCR tại các huyện còn ít nên khó khăn trong việc tổ chức thực hiện PCCCR. Các phương tiện, dụng cụ, thiết bị phục vụ PCCCR của các đơn vị chủ rừng còn thô sơ, chưa phù hợp với địa hình, loại rừng và số lượng phương tiện chưa đủ đáp ứng nhu cầu cho lực lượng tham gia chữa cháy. Sự phối hợp giữa các lực lượng BVR như kiểm lâm địa bàn, chủ rừng, chính quyền địa phương trong công tác PCCCR có lúc chưa thật sự nhịp nhàng, hiệu quả.
Để thắt chặt công tác PCCCR trong mùa hanh khô, Chi cục Kiểm lâm đề nghị chính quyền các cấp, các Ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp, các hộ gia đình nhận khoán quản lý, BVR cần quan tâm hơn đối với công tác PCCCR. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVR-PCCCR sâu rộng, thường xuyên qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tham gia PCCCR, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy rừng gây ra.
* Xin cảm ơn ông !
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)