Mô hình tổ đoàn kết đánh bắt trên biển ở Cát Khánh: Quản lý thuận lợi, hoạt động hiệu quả
Ðến nay, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) đã thành lập được 39 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với 143 tàu cá tham gia. Hiệu quả của mô hình này ở Cát Khánh đã khẳng định sự quan tâm của chính quyền xã, sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Ðề Gi và sự nỗ lực của bà con ngư dân địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động mua bán thủy sản ở cảng cá Đề Gi - Cát Khánh.
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: Những năm qua, sau khi có Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9.1.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Ðồn Biên phòng Đề Gi tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký tham gia phong trào; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời tuyên truyền và phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”...
Cũng theo ông Tiến, việc tổ chức và duy trì mô hình tổ đoàn kết đánh bắt trên biển không chỉ giúp ngư dân đi vào sinh hoạt có nền nếp theo quy chế, mà còn tạo thuận lợi cho công tác quản lý tàu thuyền trên địa bàn được chặt chẽ hơn, nhất là việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho ngư dân đạt hiệu quả cao hơn trước. Từ khi được quán triệt Chỉ thị 01, bà con ngư dân nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; nắm khá chắc về các vùng biển của Việt Nam. Ngư dân đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Hầu hết các vụ tai nạn trên biển đều được ngư dân trong tổ thông báo kịp thời với cơ quan chức năng và tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Ngư dân Lê Văn Hải, ở thôn An Quang Tây, chia sẻ: “Khi gặp sự cố xảy ra, anh em trong tổ đoàn kết đều đến hỗ trợ nhau. Ví như tàu mình bị hỏng máy thì tàu gần nhất có trách nhiệm tới trợ giúp. Khi không may tàu gặp tai nạn nguy hiểm, hay gặp tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải thì liên lạc với Bộ đội Biên phòng hay Cảnh sát biển để các lực lượng này có phương án trợ giúp, xử lý. Chúng tôi thấy mô hình tổ đoàn kết đã giúp cho ngư dân hoạt động có nền nếp, đoàn kết, không còn mạnh ai nấy làm như ngày xưa. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt ngày một tăng, đời sống của bà con ngày một khá hơn”.
Nhiều chủ tàu cũng cho rằng từ khi tham gia tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, đã luôn xác định rõ trách nhiệm của mình đối với các thành viên trong tổ, đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Không chỉ gương mẫu chấp hành, mà còn phải làm tốt công tác tuyên truyền rộng rãi đến các chủ phương tiện khác khi hoạt động trên biển.
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động ngư dân đoàn kết vươn khơi, bám biển, chính quyền xã Cát Khánh cùng Đồn Biên phòng Đề Gi còn thường xuyên tăng cường lực lượng xuống bám địa bàn, tích cực tuyên truyền cho ngư dân về bảo vệ chủ quyền biển đảo, cũng như quy chế về khu vực biên giới biển; khi hoạt động trên biển không xâm phạm lãnh hải của nước khác; đồng thời góp phần quản lý tốt địa bàn, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự ở địa phương.
VĂN THÝ- THẾ HÀ