Tuyên truyền an toàn giao thông (ATGT) bằng tiểu phẩm:
Gần gũi và hiệu quả
Góp phần cùng các cấp, ngành và toàn xã hội hạn chế tai nạn giao thông (TNGT), Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn phối hợp với LĐLĐ và Công an TP Quy Nhơn tổ chức Hội thi tiểu phẩm tuyên truyền ATGT năm 2013. Qua những tiểu phẩm tự biên, tự diễn dí dỏm mà không kém phần sâu sắc, thông điệp ATGT như dễ đi vào lòng người hơn.
Từ những lát cắt
Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn mang đến Hội thi tiểu phẩm “Nàng dâu quý” với thông điệp tuyên truyền nhẹ nhàng, ý nhị. Đó là chuyện nàng dâu có biệt danh “nồi cơm điện”, vì trong những lần về thăm quê chồng luôn chuẩn bị quà biếu là những chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Nàng dâu còn kiên quyết từ chối lời nhờ vả của mẹ chồng xin hộ cho những người quen vi phạm giao thông, khiến bà nhiều phen “ê mặt”. Nàng dâu “dám” để mẹ chồng cuốc bộ từ chợ về nhà chứ nhất định không chở vì lúc ấy bà không có mũ bảo hiểm… Ý thức chấp hành pháp luật giao thông xuất phát từ tấm lòng chăm chút vì sự an toàn cho những thành viên trong gia đình của người con dâu rồi cũng được mẹ chồng nhận ra và trân trọng.
Kết quả Hội thi: giải Nhất: Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn; giải Nhì: phường Thị Nại, Trần Phú; giải Ba: phường Quang Trung, Trần Quang Diệu, Lý Thường Kiệt; giải Khuyến khích: xã Nhơn Lý, phường Lê Lợi, Đống Đa, Trần Hưng Đạo.
Tiểu phẩm “ATGT không của riêng ai” của phường Thị Nại đã khéo léo đề cập nạn kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường. Thông điệp tuyên truyền càng sinh động và gần gũi hơn khi địa điểm diễn ra vi phạm trong tiểu phẩm chính là quanh khu vực chợ Đầm. Điều này thể hiện góc nhìn mang tính địa phương mà ở tiểu phẩm của các đơn vị khác chưa làm được. “Tuyên truyền về ATGT không phải là những lý thuyết hay dẫn chứng ở đâu xa, mà chính là góp phần cải thiện những điều chưa tốt ở ngay địa phương mình”, chị Mộng Bình, thành viên của Đội văn nghệ xung kích phường Thị Nại cho biết.
Hay như ở tiểu phẩm “Tình người” (phường Trần Hưng Đạo), góc nhìn chiếu vào “căn bệnh” thường gặp của người vi phạm giao thông là nài nỉ cơ quan chức năng bỏ qua lỗi. Tiểu phẩm này “định nghĩa” khá sắc sảo về “tình người”, không phải là “du di”, “linh động” bỏ qua vi phạm mà chính là sự kiên quyết đấu tranh để răn đe nhằm bảo vệ cho tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.
Cần phong phú và chất lượng hơn
Theo trung úy Nguyễn Quang Thanh, Đội CSGT Công an TP Quy Nhơn, thành viên Ban giám khảo, hầu hết tiểu phẩm đều đề cập đến những vấn đề nổi cộm, sai phạm phổ biến trong giao thông đường bộ và được truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu, lôi cuốn. Những câu chuyện, tình huống đặt ra gần gũi và sát với thực tế. Thông qua hình thức sân khấu hóa, trên 50 tuyên truyền viên, diễn viên nghiệp dư đến từ 10 đơn vị, địa phương đã giúp cho những quy định, kiến thức pháp luật về ATGT trở nên mềm mại, dễ tiếp thu hơn.
Tất cả 10 tiểu phẩm tham gia Hội thi đều tập trung tuyên truyền về ATGT đường bộ, lĩnh vực giao thông đường thủy, đường sắt chưa được chú ý khai thác. Nguyên nhân được các đơn vị đưa ra là vi phạm ATGT đường bộ vẫn chiếm số lượng lớn và nhức nhối nhất, tạo cảm hứng cho họ đi sâu tìm hiểu và phản ánh. Mặt khác, đây cũng là lĩnh vực tuyên truyền được Ban tổ chức Hội thi đề nghị chú trọng phản ánh. Vì vậy, bức tranh giao thông hiện lên chưa toàn diện, còn khuyết những đề tài mang tính thời sự, như tai nạn đường sông, đường bêtông nông thôn. Các tiểu phẩm cũng dễ bị trùng lặp về đề tài, có đến 3/10 tiểu phẩm có trọng tâm tuyên truyền là mũ bảo hiểm, 2 tiểu phẩm “đụng” nhau trong tình huống “tình người trong tham gia giao thông”.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, nhìn chung chất lượng nghệ thuật của các tiểu phẩm tuyên truyền tại Hội thi lần này chưa thật sự làm “mãn nhãn” người xem. Chỉ có 9/21 xã, phường tham gia Hội thi, vắng bóng một số địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng mạnh như phường Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong… làm giảm đi tính cạnh tranh và hấp dẫn. Điểm hạn chế lớn nhất mà một vài tiểu phẩm gặp phải là tính cân đối, hài hòa trong xây dựng tình huống, lời thoại, phân bố thời lượng khiến nội dung tuyên truyền bị loãng. Một số tiểu phẩm quá sa đà vào các tình huống, lời thoại hài hước, gây cười… “Yêu cầu của một tiểu phẩm tuyên truyền là đúng, đủ, sau đó mới đến hay. Ở Hội thi này, yếu tố đúng và đủ đã đáp ứng được, mong rằng ở những hội thi tương tự, các đơn vị sẽ đầu tư hơn về kịch bản, dàn dựng, diễn xuất để góp phần nâng cao tính nghệ thuật cho tiểu phẩm tuyên truyền”, giám khảo Đào Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, nhận xét.
SAO LY