Bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ: Từ chủ nợ thành tội phạm
Ðòi nợ bằng vũ lực
Cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP Quy Nhơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thế Vinh (SN 1996, phường Bùi Thị Xuân) về tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng dâm trẻ em. Trước đó, ngày 22.4, Vinh cho em V.T.T. mượn 2 triệu đồng, có viết giấy nợ và giao kèo trả góp mỗi ngày 200 ngàn đồng trong vòng 1 tháng. Do T. không trả tiền nên Vinh đã tìm T. quát tháo, đánh đập, dùng dùi cui điện đe dọa, ép T. lên xe cùng đi đến nhà nghỉ ở phường Trần Quang Diệu.
Phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Thị Ngọc Út cùng đồng bọn.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965, TP Quy Nhơn) cũng vì muốn thu hồi số tiền trên 1 tỉ đồng đã cho ông Trần Văn Bình (SN 1966) vay nhưng đến hẹn vẫn không trả nên đã thuê đòi nợ và thỏa thuận sẽ trả 30% tổng số tiền đòi nợ cho các đối tượng đòi nợ thuê. Sau đó, bà Thoa cùng các đối tượng đòi nợ thuê bàn kế hoạch dụ ông Bình đến nhà nghỉ để trao đổi việc mua nhà, song thực tế là để bắt giữ ông Bình hòng ép trả nợ.
Thực trạng này cho thấy, việc cho vay và đòi nợ trái quy định của pháp luật đang diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Theo ngành chức năng, sở dĩ phát sinh hình thức đòi nợ trái pháp luật là do xuất phát từ nhận thức không đúng, thậm chí lệch lạc của các chủ nợ; họ cho rằng nếu trình báo các cơ quan pháp luật thì vụ việc vừa kéo dài, vừa mất thời gian, trong khi đó, dùng vũ lực để ép con nợ thì khả năng thu hồi nợ sẽ nhanh hơn. Thượng tá Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh, nhận định: Gần đây, tình trạng tội phạm sử dụng bạo lực để đòi nợ có chiều hướng tăng với tính chất và mức độ khá nguy hiểm. Để giải quyết mâu thuẫn đòi nợ, các chủ nợ thường sử dụng nhiều người đến gây áp lực, uy hiếp con nợ. Tuy nhiên, những hành vi đòi nợ kiểu bắt giữ người trái pháp luật, đánh đập, dọa nạt... là vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ, tính chất cụ thể của mỗi vụ việc, các chủ nợ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Và phải trả giá
Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, từ đầu năm đến nay, Viện đã khởi tố 3 vụ/8 bị can liên quan đến tội bắt giữ người trái pháp luật. Ngày 14.6, TAND TP Quy Nhơn cũng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo Đặng Thị Ngọc Út (SN 1979, ở Tây Sơn) 19 tháng tù giam; Cam Văn Tiến (SN 1986, ở TP Quy Nhơn) 7 tháng tù giam; Lê Ngọc Quang (SN 1990, ở Phù Cát) 6 tháng tù giam và Phạm Như Quốc (SN 1986, ở Gia Lai), Nguyễn Hữu Dự (SN 1991, TP Quy Nhơn) cùng 3 tháng tù giam về tội bắt, giữ người trái pháp luật. Riêng Út còn phạm thêm tội cưỡng đoạt tài sản. Theo cáo trạng, bà Trần Thị Mai có vay của Út số tiền 35 triệu đồng, sau đó lẩn tránh không trả. Ngày 7.2.2017, Út cùng Tiến, Quang, Quốc và Dự bắt, giữ bà Mai tại TP Quy Nhơn, rồi đưa đến huyện Vĩnh Thạnh để đòi nợ. Út còn có hành vi khống chế chiếm đoạt 900 ngàn đồng của bà Mai, gọi điện thoại cho chồng bà Mai đe dọa nhằm chiếm đoạt số tiền 30 triệu đồng.
Tại tòa, các bị cáo quanh co, khai báo không thành khẩn và cho rằng: mục đích chỉ muốn đòi lại tiền, chứ không có ý gì khác. Việc đánh bà Mai là vì bực tức việc nợ nần kéo dài. Tuy nhiên, trước những chứng cứ thuyết phục mà Hội đồng xét xử đưa ra, các bị cáo đã cúi đầu nhận tội. Chủ tọa phiên tòa phân tích: “Trong vụ án này, bị cáo Út là người điều khiển các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Út cần phải nhìn nhận lại việc làm của mình: Khi cho vay tiền, nếu người vay không trả thì bị cáo có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật, chứ không phải huy động nhiều người ngang nhiên ép con nợ đi theo mình rồi giam giữ là trái pháp luật. Bên cạnh đó, bà Mai cũng phải có trách nhiệm, thiện chí trả nợ chứ bỏ đi như vậy cũng không nên. Còn các bị cáo khác, dù không liên quan đến chuyện vay mượn nhưng khi được nhờ đi đòi tiền đã cùng tham gia là trái pháp luật”.
Trung tuần tháng 5.2017, TAND tỉnh cũng đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa mức án 27 tháng tù giam về tội bắt giữ người trái pháp luật.
Theo thượng tá Sử cho biết: “Để việc cho vay và đòi tiền cho vay diễn ra đúng pháp luật, người vay phải có tài sản thế chấp, có giấy vay tiền và người làm chứng để có đầy đủ căn cứ pháp lý nếu phát sinh mâu thuẫn dẫn đến khởi kiện”.
Hơn nữa, để đảm bảo tình hình ANTT, hạn chế tối đa loại tội phạm này, chính quyền và công an cơ sở cần chủ động phát hiện, giải quyết sớm sự việc khi mới đang ở giai đoạn sơ khai. Về phía chủ nợ, trong trường hợp không thỏa thuận được, có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện con nợ ra tòa theo quy định của pháp luật, tránh trường hợp nóng vội, hành động trái pháp luật.
K.ANH