Cát Lâm (Phù Cát): Mua tài sản trên đất, rồi chiếm luôn đất để sử dụng
Một cá nhân mua tài sản gắn liền trên đất của một công ty, sau đó chiếm dụng luôn phần đất mà tỉnh đã giao cho công ty này sản xuất để sử dụng vào mục đích cá nhân. Hơn 3 năm qua, dù UBND xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) một mặt đề nghị công ty đã bán lại tài sản trên đất có trách nhiệm bàn giao lại diện tích đất để địa phương quản lý, sử dụng, mặt khác vận động cá nhân này trả đất. Tuy nhiên, mọi chuyện chưa ngã ngũ...
Một phần diện tích đất và tài sản trên đất tại Cụm lò sấy An Điềm hiện do ông Cẩn quản lý, sử dụng.
Tháng 11.1993, UBND tỉnh giao gần 1,8 ha đất thuộc thửa đất số 570, tờ bản đồ số 5 - nay thuộc thửa đất số 331, tờ bản đồ số 97 - tọa lạc tại thôn An Điềm (thuộc xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) cho Trạm nguyên liệu thuốc lá Bình Định (thuộc Công ty nguyên liệu thuốc lá Nam) xây dựng Cụm lò sấy thuốc lá An Điềm (gọi tắt là Cụm lò sấy An Điềm). Sau đó, đơn vị này xây dựng 30 lò sấy bằng gạch, nhà lán dập, nhà lán chứa than đá, nhà kho phân loại, nhà làm việc (rộng hơn 115m2), nhà ăn, ở cho công nhân (trên 123m2) và chính thức hoạt động từ năm 1994.
Năm 2004, Công ty nguyên liệu thuốc lá Nam được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Hòa Việt thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (gọi tắt là Công ty Hòa Việt); đến tháng 3.2005, toàn bộ tài sản tại Cụm lò sấy An Điềm cũng được bàn giao cho Công ty Hòa Việt. Sau thời gian dài ngưng hoạt động, đến tháng 7.2014, Công ty này đã lập hợp đồng bán toàn bộ tài sản gắn liền trên đất của Cụm lò sấy An Điềm cho ông Nguyễn Văn Cẩn (trú xã Cát Tân, huyện Phù Cát) với giá trên 105 triệu đồng.
Mua xong, ông Cẩn tháo dỡ toàn bộ lò sấy bằng gạch, nhà lán dập, nhà lán chứa than đá, nhà kho phân loại và lấy mặt bằng để canh tác hoa màu. Riêng khu nhà làm việc được ông Cẩn cải tạo thành tiệm sửa xe đạp và xưởng sơ chế cơ khí; còn khu nhà ăn, ở của công nhân được cải tạo thành nơi nuôi bò, gà. Từ năm 2014 đến nay, ông Cẩn liên tục ở tại khu đất này làm ăn, sinh sống, bất chấp việc UBND xã Cát Lâm nhiều lần đề nghị ông tháo dỡ tài sản trên đất chuyển đi nơi khác, trả đất lại cho địa phương quản lý, sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, cho biết: Hợp đồng của ông Cẩn với Công ty Hòa Việt chỉ đơn thuần là việc mua bán tài sản gắn liền trên đất chứ không phải mua bán quyền sử dụng đất. Vì vậy, ông Cẩn chỉ được quyền lấy tài sản trên đất chứ không được quyền sinh sống, canh tác trên khu đất mà trước kia UBND tỉnh đã giao cho Trạm nguyên liệu thuốc lá Bình Định.
Trong khi đó, ông Cẩn cho rằng việc ông mua toàn bộ tài sản tại Cụm lò sấy từ Công ty Hòa Việt, có hợp đồng rõ ràng; do đó, ông có quyền tận dụng, cải tạo các khu nhà theo ý muốn cá nhân. Riêng phần đất còn lại do ông đã thay Công ty Hòa Việt nộp thuế cho Nhà nước nên ông có quyền trồng trọt, canh tác.
Trước sự dằng dai của ông Cẩn, UBND xã Cát Lâm đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Phù Cát và UBND huyện báo cáo cho UBND tỉnh. Đến tháng 1.2016, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi đất, giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định. Tuy nhiên, lấy lý do có hợp đồng mua bán với Công ty Hòa Việt, ông Cẩn nhất quyết không trả lại đất, dù UBND xã nhiều lần mời ông đến làm việc, giải thích. UBND xã Cát Lâm cũng nhiều lần gửi văn bản cho Công ty Hòa Việt, yêu cầu đơn vị có trách nhiệm làm việc với ông Cẩn và hoàn tất các thủ tục giao trả đất cho địa phương, song Công ty này lần lữa và không phối hợp với xã.
“Sắp tới, UBND xã Cát Lâm tiếp tục mời đại diện Công ty cổ phần Hòa Việt làm việc để giải quyết dứt điểm việc trả lại đất tại Cụm lò sấy An Điềm cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định; đồng thời kiến nghị các ngành chức năng của huyện Phù Cát và tỉnh có biện pháp can thiệp, giải quyết nếu Công ty cổ phần Hòa Việt và ông Cẩn tiếp tục dùng dằng, không giao trả đất cho địa phương”, ông Cảnh khẳng định.
CÔNG LUẬN