Âu lo với trẻ béo phì
Thừa cân, béo phì là nỗi lo hiện hữu với nhiều gia đình thời hiện đại. Không lo sao được, khi con vẫn không ngừng tăng cân, cùng biết bao nguy cơ về tinh thần, sức khỏe cũng “rủ nhau” leo thang.
Ăn không biết no
Mới 3 tuổi, cao 1m, nhưng cậu bé K. (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) đã nặng đến 30kg. Không khó để nhận ra sự bất thường về khối lượng cơ thể của K. khi quan sát bé chơi đùa cùng các bạn cùng lớp mầm non. Có bạn chưa được một nửa thân hình của K. Ba đi biển, mẹ làm ở tiệm gội đầu hớt tóc cả ngày, ngoài giờ ở lớp, K. quanh quẩn với ông bà. Chưa có em, nên K. càng được cưng chiều, thích ăn gì cũng được đáp ứng ngay. Tối nào bé cũng uống ít nhất 2 hộp sữa béo loại lớn. Uống xong là ngủ khèo, nên thêm hậu quả là răng hư, ố.
Trẻ thừa cân, béo phì luôn có nhu cầu ăn uống nhiều chất béo. Ảnh minh họa
Dường như con mập mạp, múp míp, mũm mĩm vẫn là “gu” của nhiều phụ huynh. Như mẹ K., chị rất tự hào về vẻ bề ngoài của con trai. Thỉnh thoảng cô bé hàng xóm qua chơi, thể nào chị cũng có dịp bĩu môi chê mẹ nó “không biết nuôi, sao để con gọn lỏn vầy, thấy anh K. đây không!”.
Không chỉ ở thành thị, trẻ béo phì ở khu vực nông thôn cũng không phải hiếm. Hè này em Nguyễn Minh H. (ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) lên lớp 6. Từ năm lớp 2, H. bắt đầu ăn mất kiểm soát, “ăn không biết no”. Mới ăn xong, quanh quẩn đâu một chút, H. lại chạy vào bếp “đói nội, đói quá nội”, rồi mở tủ lạnh tự lục lấy đồ ăn vặt, hoặc bà nội phải kiếm gì đó cho thằng cháu bỏ bụng. Thấy con tăng cân quá nhanh, khi nấu nướng, mẹ H. cũng đã chú ý giảm bớt các món có nhiều chất béo, nhưng cứ thấy chút mỡ nào là mắt thằng nhỏ lại sáng lên. Sữa tươi mua cho em gái nhỏ hơn 9 tuổi, nhưng thèm quá nên H. cứ len lén lấy uống.
Cơ thể nặng nề, nên H. nằm suốt. Mỗi lần qua nhà cô ở cùng xóm, leo lên cái dốc ngắn xong là em phải ngồi thở. Ông nội H. mới qua cơn tai biến nhẹ, đang giai đoạn tập luyện phục hồi. Mấy ngày đầu tập đi bộ, ông rủ H. đi cùng để giảm cân. Ông mới ốm dậy, đi đâu nhanh nhẹn gì được, vậy mà cu cậu không theo nổi, cứ một đoạn lại than mệt quá. Được 4 hôm thì thôi hẳn.
Chặn nguy cơ!
Loại trừ yếu tố bệnh tật (chỉ chiếm khoảng 10%) thì nguyên nhân chính của thừa cân béo phì là năng lượng ăn vào nhiều hơn năng lượng tiêu hao. Cuộc sống có nhiều thức ăn giàu năng lượng, nhiều chất béo, chất ngọt; ăn nhanh, ăn nhiều và ít hoạt động thể lực, không gian sống chật hẹp, xem tivi, vi tính nhiều thì dễ béo phì hơn. Như một vòng lẩn quẩn, béo muốn ăn nhiều, ăn nhiều càng béo.
Thừa cân, béo phì đang là “đại dịch” toàn cầu với mức độ tăng nhanh đáng kể. Tại Việt Nam, cùng tình trạng suy dinh dưỡng còn phổ biến thì tỉ lệ người bị béo phì cũng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở trẻ em. Tại Bình Định, kết quả cân đo trẻ dưới 5 tuổi năm 2016 cho thấy, có 523 trẻ béo phì trên tổng số 108.713 trẻ được cân đo, chiếm tỉ lệ hơn 4,8%. Trong khi năm 2015, tỉ lệ này chỉ là 3,9%.
Thực trạng này thật sự rất đáng lo ngại, bởi trẻ béo phì rất dễ trở thành người lớn béo phì, cùng một tương lai bệnh tật đang chờ đón. Các biến chứng gan ở trẻ béo phì đã được ghi nhận, đặc biệt là gan nhiễm mỡ và tăng men gan. Trẻ em bị béo phì cũng có thể bị các biến chứng về mặt giải phẫu, nghiêm trọng là bệnh Blount (một dị dạng xương chày do phát triển quá mạnh), dễ bị bong gân mắt cá chân. Cùng với đó là tình trạng nghẽn thở khi ngủ có thể gây chứng thở quá chậm, thậm chí có thể gây tử vong.
Nguy hiểm không kém là các biến chứng về tim mạch. Theo bác sĩ Phan Nam Hùng - Phó khoa Nội Tim mạch (BVĐK tỉnh), tăng huyết áp có thể gặp ngay ở độ tuổi nhỏ khi các em thừa cân, béo phì và sẽ kéo dài khi cân nặng không được khống chế, gây nên những hậu quả khó lường trong quá trình sống, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống.
Không riêng về sức khỏe thể chất, trẻ béo phì cũng bị tác động xấu về tâm lý. Hạn chế vận động, ăn nhiều… khiến các em mặc cảm, tự ti.
Trong các chương trình tuyên truyền, tư vấn về dinh dưỡng ở cộng đồng, bác sĩ Đỗ Thị Hạnh Nga, phụ trách công tác Chăm sóc sức khỏe trẻ em - Phòng chống suy dinh dưỡng của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, luôn lưu ý đến cơ cấu hợp lý trong bữa ăn hằng ngày của trẻ. “Đặc biệt, phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn, giờ giấc, số lượng. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng với các trẻ thừa cân, béo phì hoặc có nguy cơ béo phì”, bác sĩ Nga nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG