“Nóng” với chuyện sức khỏe!
Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản với mức giá có thể chi trả được, không phải đối mặt với khó khăn về tài chính là mục tiêu chúng ta hướng tới. Để thực hiện được mục tiêu này, cần có một cơ chế tài chính ổn định, bền vững và hiệu quả. Bảo hiểm y tế (BHYT) được xác định là cơ chế tài chính phù hợp nhất để thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách BHYT, diện bao phủ BHYT ngày càng được mở rộng, quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được bảo đảm ngày một tốt hơn, hệ thống cung ứng dịch vụ y tế liên tục nâng cao chất lượng. BHYT đã trở thành một trong những nguồn tài chính chủ yếu trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần thay đổi căn bản cơ chế tài chính cho y tế.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT với mục tiêu đến năm 2020 đạt trên 90% dân số, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở giúp người dân được hưởng một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, xem đây là một trong những giải pháp cốt lõi để vận động người dân tham gia BHYT.
Tuy nhiên, hiện nay việc chi trả BHYT đã có nhiều bất cập, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia mà còn gây nên bức xúc trong xã hội. Điều đó có thể thấy rõ thông qua phiên chất vấn và trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội hôm 14.6 vừa qua.
Với 49 lượt đại biểu chất vấn và 13 lượt đại biểu tranh luận, phiên chất vấn kéo dài hơn một buổi với những tranh luận gay gắt về các vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong đó, rất nhiều ý kiến của các đại biểu xoay quanh việc thanh toán, chi trả BHYT, nhất là những vướng mắc, bất cập chưa thể tháo gỡ giữa ngành y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong vấn đề này. Một trong những nội dung được quan tâm và có nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận là chính sách “siết chi” và nỗi lo “vỡ quỹ” BHYT. Nhiều ý kiến cho rằng “siết chi” BHYT là đi ngược lại chủ trương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng tự chủ của bệnh viện, ảnh hưởng đến y đức của đội ngũ cán bộ ngành y tế. Về phía cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng, bởi việc “siết chi” BHYT có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của chính mình.
“Nóng” từ thực tiễn đến diễn đàn Quốc hội đã cho thấy chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là vấn đề BHYT đã và đang là vấn đề được xã hội rất quan tâm, bởi vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc giải quyết các tồn tại, khắc phục các bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện bằng các giải pháp thấu đáo, căn cơ, bền vững để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan là hết sức cần thiết. Vấn đề cốt lõi là để mọi người dân tham gia BHYT và mọi quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo một cách tốt nhất.
H.Đ