Khiếu nại tố cáo liên quan đến đền bù giải tỏa:
Vẫn “nóng”
Theo nhận định chung, tình hình khiếu nại tố cáo (KNTC) của công dân phát sinh nhiều, có chiều hướng tăng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, bồi thường giải tỏa.
Khiếu kiện về đất đai chiếm gần 53% vụ việc
Từ ngày 1.9.2012 đến ngày 30.6.2013, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 3.364 lượt/3.733 công dân, trong đó có 15 đoàn khiếu kiện đông người; tiếp nhận xử lý 2.514 vụ KNTC, kiến nghị, phản ánh. Trong số này, nhiều nhất là các vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường giải tỏa (chiếm gần 53%), tiếp đó là tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, yêu cầu, kiến nghị (30,6%), về nhà ở (3%), ô nhiễm môi trường (0,6%)...
Có thể kể đến một số vụ việc điển hình như: Một số hộ dân xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) khiếu nại yêu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm khi thực hiện quy hoạch KKT Nhơn Hội; vụ bà Nguyễn Thị Hoa và 11 hộ dân tại tổ 46, KV 9, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) nhiều năm liền sống trong cảnh ngập úng bởi dự án xây dựng khu tái định cư Đảo 1B, Bắc sông Hà Thanh, Quy Nhơn, kiến nghị cần có biện pháp khắc phục tình trạng ngập úng hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để họ nâng cấp nền nhà…
Tại buổi làm việc với Ban Dân nguyện- Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, nhiều vụ KNTC của người dân bắt nguồn từ chính sách bồi thường để giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai của Trung ương chưa nhất quán, chính sách ra sau có lợi hơn chính sách ra trước, khiến người chấp hành trước thì lại thiệt, người chấp hành sau thì lại được đền bù gấp nhiều lần người trước, tạo ra sự so bì giữa các hộ dân cùng bị ảnh hưởng, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Ông Đoàn Quang Sáu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, cũng cho biết thêm: “Kết quả giải quyết KNTC của công dân có tỉ lệ đúng và đúng một phần chiếm tỉ lệ cao. Điều này cho thấy đội ngũ làm công tác giải quyết KNTC ở cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của người dân và đã vô tình, hoặc cố ý làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của họ. Một số vụ việc giải quyết kéo dài, không dứt điểm, kết luận chưa đầy đủ và chưa đúng với thực tế khách quan”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC ở cấp xã, phường còn nhiều hạn chế, một phần do thiếu định biên cán bộ chuyên trách, phần khác do lãnh đạo cơ sở có dấu hiệu quan liêu, giải quyết yêu cầu KNTC của người dân không đến nơi đến chốn, thậm chí còn thách đố người dân đi kiện.
Tìm biện pháp “hạ nhiệt”
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết KNTC. Đối với các vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường giải tỏa có nội dung đơn giản, kết quả xác minh không khác với kết quả giải quyết khiếu nại lần 1, UBND tỉnh ủy quyền cho lãnh đạo các sở, ngành và thanh tra tỉnh, chủ tịch UBND các nơi phát sinh vụ việc KNTC, và các đơn vị liên quan, tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh xem xét trước khi ban hành kết quả giải quyết khiếu nại của công dân. Đối với các vụ việc có tính chất phức tạp, lãnh đạo tỉnh đối thoại trực tiếp công khai, dân chủ với người khiếu nại hoặc đến tận nơi phát sinh KNTC, kiến nghị, để tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân; qua đó, làm căn cứ để UBND tỉnh ra quyết định kịp thời, hạn chế khiếu kiện vượt cấp. Trường hợp công dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được đề xuất lên cho UBND tỉnh xem xét hỗ trợ để họ ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng phát sinh KNTC liên quan đến đền bù giải tỏa, thì trước hết cần phải hoàn thiện luật pháp cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này. Vì vậy, tại cuộc họp với Ban Dân nguyện, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai và hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giá đất, cơ chế thu hồi đất, căn cứ giao đất, cho thuê đất, công tác hỗ trợ bồi thường, hỗ trợ tái định cư… nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện và tạo cơ sở pháp lý giải quyết tốt các KNTC về lĩnh vực đất đai.
THU HÀ