Sự cố tàu vỏ thép NĐ 67: Hồi kết của doanh nghiệp và “nước rút” của chính quyền
Trong khi tỉnh Bình Định đang đi “nước rút” để tìm lỗi 17 con tàu vỏ thép; Công an tỉnh này cũng đã vào cuộc điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự thì các doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để “đi cửa sau”, chi tiền “mua” sự im lặng của các ngư dân.
Tàu vỏ thép hư hỏng "đậu bờ" nhiều tháng trời tại cảng Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định)
Doanh nghiệp vạch “đường đen”
Theo phản ánh của ngư dân có tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định, mới đây đại diện Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (doanh nghiệp đã cấp máy cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu) đã tìm đến, đặt điều kiện với 10 ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng.
Ngư dân Nguyễn Công Đồng (huyện Hoài Nhơn) chủ tàu Vỏ thép BĐ 99047-TS cho hay, cách đây 3 hôm, có 3 người bên phía Công ty Hoàng Gia Phát, đến đặt điều kiện muốn khắc phục sự cố máy. Đại diện doanh nghiệp này cho biết tất cả tài sản của họ không đủ để đền máy cho ngư dân. “Nếu ngư dân không chịu thương lượng, đi theo con đường của họ, ép họ vào bước đường cùng thì công ty sẽ phá sản, ngư dân sẽ chịu thiệt”, ông Đồng kể.
Còn đại diện hãng Doosan (Hàn Quốc), đã kêu ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) chủ tàu vỏ thép BĐ 99145-TS lên để đổ lỗi việc tàu hư hỏng là do ngư dân không biết sử dụng.
Theo ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, Tổ thẩm định do Sở này chủ trì đã hoàn tất quá trình thẩm định, cũng đã cắt mẫu thép để gửi vào TPHCM giám định và đang đợi kết quả. Trước đó, hãng Mitsubishi kết luận 8/9 máy tàu do Công ty Nam Triệu lắp là hàng “nhái”.
Ông Hổ cho hay, đây là lời nói thiếu cơ sở vì muốn có kết luận chính xác thì phải kiểm tra các bước thật chặt chẽ về số seri, thứ nữa là đánh giá thẩm định chất lượng thì mới kết luận chính thức được.
“Trước đây, Sở đã gửi văn bản yêu cầu hãng này phải gửi trình bày cụ thể về kết luận này nhưng đến nay bên đó vẫn chưa có văn bản trả lời, thế nên chưa thể nói được gì”, ông Hổ nói.
Ông Phan Trọng Hổ cũng xác nhận: “Đại diện hãng Doosan cũng đã trao đổi với tôi, sao họ chuyển phát nhanh gần 1 tấn trang thiết bị về để thay thế cho ngư dân, có lòng như vậy mà ngư dân lại không chấp nhận. Thế nhưng, khi tôi hỏi các anh (đại diện hãng Doosan - PV) ký hợp đồng bán máy các anh bán cho ai? Các anh có ký với ngư dân không? Họ trả lời bán cho công ty Nam Triệu không ký bán cho ngư dân. Thế thì lỡ các anh lắp tầm bậy vào máy của ngư dân thì công ty Nam Triệu quay sang ngư dân nói không tui ký với ông, sao ông lại đi cho người khác lắp máy, hư thì ông phải chịu chứ sao? Các anh (hãng Doosan - PV) sai, các anh phải chịu trách nhiệm chứ ngư dân có ký hợp đồng với các anh đâu mà các anh chở thiết bị về chi…”
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng cho biết, có nghe thông tin Công ty Hoàng Gia Phát đến thương lượng với ngư dân và còn đe dọa nếu ngư dân ép họ đền máy mới, họ sẽ phá sản.
“Việc này là bên phía công ty sai hoàn toàn vì ngư dân đâu có ký hợp đồng với các ông (Công ty Hoàng Gia Phát - PV) đâu mà các ông đòi thương lượng, hay lắp máy. Doanh nghiệp này cũng đã gửi văn bản lên Sở nhưng văn bản này không có hiệu lực. Chúng tôi nhất quyết không cho khắc phục cho dù ngư dân đồng ý. Vì đây là trách nhiệm của công ty Nam Triệu ký với Ngư dân nên công ty Nam Triệu phải chịu trách nhiệm”, ông Hổ nhìn nhận.
Ngư dân lo sẽ nằm bờ dài ngày (!)
Nhiều ngư dân có tàu vỏ thép hư hỏng đặt câu hỏi, liệu việc nằm bờ như thế này còn kéo dài đến bao giờ mới chấm dứt, để họ yên tâm vươn khơi đánh bắt. “Kéo dài, làm chậm dây dưa hoài, giờ nó trễ biển, thâm biển như vầy chịu sao cho nổi. Mỗi tháng đi biển có 20 ngày chứ mấy, nếu thuận lợi chúng tôi đánh bắt cũng đạt lắm chứ. Nhưng do hư hỏng quá nên mới thất thu vậy, giờ nằm bờ như thế này biết bao giờ mới buông khơi được”, chủ tàu Trần Minh Vương (huyện Phù Cát) chủ tàu vỏ thép BĐ 99027-TS nói.
Chủ tàu Trần Đình Sơn than: “Giờ thì gia đình tôi bất lực rồi. Lổ biển liên tục như vậy, tàu hỏng phải thuê bạn lai dắt 2 đợt, giờ tài sản gia đình khánh kiệt rồi, không có tiền đậu bờ. Đi đứng các khoản giờ gay go lắm! Không biết đường nào mà chạy vạy hết. Rồi thì tiền lãi suất ngân hàng, anh em bạn thuyền nữa. Cảnh nằm bờ thấy ngao ngán lắm chịu không nổi nữa”.
Ngư dân Trần Văn Hạo (TP Quy Nhơn) chủ tàu vỏ thép BĐ 99029-TS, chia sẻ nguyện vọng: “Giờ mong các cơ quan chức năng mau giải quyết sớm cho ngư dân để ra biển làm ăn, gỡ gạc. Trong quá trình chờ lắp máy mới, chúng tôi mong muốn được sửa lại tàu để đi biển tạm, chứ nằm bờ chờ đợi chẳng biết khi nào mới có máy mới mà thay, ngư dân chúng tôi phá sản mất thôi.”
Ông Phan Trọng Hổ đánh giá, sự cố tàu vỏ thép hư hỏng như vậy ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân. Không những liên quan đến thu nhập, lãi suất ngân hàng mà còn là vấn đề bảo vệ chủ quyền. Qua đó, cũng gây lo lắng đến các ngân hàng, các hồ sơ giải ngân để đóng tàu vỏ sắt sau đó sẽ khó khăn và chặt chẽ hơn.
“Tổ thẩm định cũng chỉ ở mức tìm nguyên nhân thôi, có những việc sẽ vượt quá mức thẩm định của tổ nên chưa thể giải quyết được vấn đề gì. Dự kiến qua ngày 20, Sở sẽ có báo cáo kết quả cuối cùng lên UBND tỉnh. Sau khi có kết quả thẩm định, chúng tôi phải cung cấp cho Bộ NN&PTNT rồi báo cáo lên Thủ tướng nữa. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng xem xét, không để ngư dân cứ tiếp tục nằm bờ, gây tổn thất lớn lao…”, ông Phan Trọng Hổ cho biết thêm.
Mới đây, tàu của ngư dân Lê Hoài Thanh đã vào bờ và nhanh chóng gửi đơn yêu cầu, báo cáo về sự cố hỏng hóc của tàu mình đến Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định. Qua đó ông Thanh đề nghị Tổ thẩm định xem xét xác minh thực trạng hư hỏng của tàu mình.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, hiện tổ thẩm định đã hoàn tất thẩm định 17 tàu vỏ thép bị hư hỏng, còn về tàu ông Thanh tổ sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra sau khi báo cáo kết quả lên UBND tỉnh.
Theo NGỌC OAI (SGGP)