Tổ ấm của mỗi người
Gia đình là tế bào của xã hội. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải khỏe mạnh. Xây dựng “gia đình văn hóa” là mục tiêu quan trọng thường xuyên của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong những năm qua, xây dựng “gia đình văn hóa” ở tỉnh ta là nội dung được các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chú trọng, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tác động tích cực lên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.
Trong năm 2012, toàn tỉnh đã có trên 330 ngàn hộ gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Điều đáng ghi nhận là các hộ đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” đều biết chăm lo làm ăn, nhiều hộ vượt khó thoát nghèo, làm giàu chính đáng; sản xuất, kinh doanh giỏi; đặc biệt là luôn nêu cao ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung quan trọng. Trong đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong từng gia đình là rất quan trọng, là nền tảng vững chắc để giữ gìn giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, hướng mọi gia đình đến với cuộc sống ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, ngăn chặn các tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến gia đình. Mỗi gia đình văn hóa chính là một “thành trì” chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và những tác động xấu từ mặt trái của cơ chế thị trường.
Trong điều kiện hiện nay, sự phát triển nền kinh tế thị trường có ảnh hưởng không nhỏ đến thiết chế gia đình và vấn đề giáo dục gia đình. Vì vậy, nhằm từng bước kiến tạo xã hội và phát triển bền vững, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cần phải được coi trọng. Đặc biệt nội dung giáo dục đạo đức cần trở thành mối quan tâm hàng đầu trong các nội dung giáo dục gia đình, vì đạo đức chính là giá trị đầu tiên, là phẩm chất có tính nền móng để hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp của mỗi người.
Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, vấn đề cần tiếp tục giáo dục và phát huy các giá trị đạo đức lối sống trong mỗi gia đình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán của từng địa phương; tạo nên các quy tắc ứng xử tốt đẹp trong gia đình và các tổ chức, lực lượng xã hội ; chăm lo giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc; nêu gương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Mục tiêu chúng ta cần vươn tới và thực hiện là xây dựng gia đình văn hóa truyền thống, hiện đại, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng gia đình văn hóa là vừa phải kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, vừa kết hợp với những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại để phù hợp với sự vận động phát triển tất yếu của xã hội. Mỗi gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người, là nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc.
HẢI ĐĂNG