Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Nguy cơ cao đối với người hút thuốc lá!
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới dẫn đến gánh nặng kinh tế cho các gia đình. Nghiên cứu mới đây tại Bình Ðịnh cũng chỉ ra rằng những người hút thuốc lá là đối tượng có nguy cơ mắc COPD rất cao.
Bệnh nhân Trần Văn Ẩm thường xuyên phải điều trị COPD tại BV Lao và Bệnh phổi.
Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu!
COPD là một trong những nguyên nhân tử vong do bệnh tật cao nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 1990, ước tính có khoảng 2,21 triệu trường hợp tử vong do COPD, chiếm 4,4% các nguyên nhân tử vong và đứng hàng thứ 6 trong các nguyên nhân tử vong trên thế giới; đến năm 2002 COPD trở thành nguyên nhân thứ 5 gây tử vong. Tổng số ca tử vong do COPD dự kiến sẽ tăng hơn 30% trong 10 năm tới, trừ khi hành động khẩn cấp được thực hiện để giảm các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là sử dụng thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính COPD sẽ trở thành nguyên nhân tử vong hàng thứ ba trên toàn thế giới vào năm 2030.
Ở Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại đã có một số nghiên cứu về dịch tễ học COPD trong cộng đồng với kết quả cho thấy COPD ở Việt Nam cũng theo xu hướng chung của thế giới. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2010, tỉ lệ mắc COPD ở Việt Nam từ 4-7% tùy từng vùng, và như vậy nước ta có khoảng 1,6-2 triệu người mắc COPD. Và một điều tương đối bất cập là cho tới nay việc phát hiện và quản lý điều trị COPD vẫn còn ở giai đoạn muộn vì vậy đã làm tăng chi phí khám chữa bệnh, cũng như làm gia tăng di chứng và tử vong.
Trong đề tài “Nghiên cứu dịch tễ bệnh phổi và tắc nghẽn mạn tính trong dân cư tỉnh Bình Định năm 2015” do bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Phúc Thanh, Phó Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi làm chủ nhiệm đề tài có đưa ra những con số rất đáng lưu ý. Đó là tỉ lệ mắc COPD ở người trên 40 tuổi tại tỉnh Bình Định năm 2015 là 7,6%. Thành thị có tỉ lệ mắc COPD là 6,1%; nông thôn là 8,2% và miền núi 10%. Nhóm tuổi 41-50 có tỉ lệ mắc 4,7%; nhóm 51-60 tuổi (8,2%); nhóm 61-70 tuổi (8,6%); nhóm 71-91 tuổi (11,9%); nam có tỉ lệ mắc COPD 12,3%; nữ (2,4%). Tỉ lệ COPD giai đoạn II chiếm tỉ lệ 67%.
Ngưng hút thuốc lá để tránh COPD
Theo bác sĩ Đinh Văn Thông, Phó trưởng Khoa khám - cấp cứu - chỉ đạo tuyến BV Lao và Bệnh phổi, những năm gần đây số bệnh nhân đến khám tại BV được chẩn đoán COPD có chiều hướng tăng mạnh. Hiện số lượng bệnh nhân điều trị COPD chỉ ít hơn bệnh nhân lao. Bệnh thường phát hiện ở những người trên 40 tuổi, chủ yếu là nam giới. Trước khi đến khám tại BV Lao và Bệnh phổi, họ đã tự đến một số cơ sở y tế khác, không đúng chuyên ngành nên điều trị không đúng phác đồ, khi phát hiện ra bệnh thì đã ở giai đoạn nặng.
COPD có thể dẫn đến suy tim, hoặc gây đau nhức đầu do thiếu oxy cung cấp cho não. Hiện nay, các liệu pháp điều trị COPD chỉ giúp bệnh nhân qua khỏi cơn khó thở, chứ không giúp hồi phục hoàn toàn. Tình trạng bệnh thường nặng thêm theo thời gian, bởi các chức năng ở phế quản, phổi đã suy giảm nhiều. Ngoài việc sử dụng thuốc, các bác sĩ còn hướng dẫn cách để bệnh nhân tập luyện, nhằm tăng sức thở.
Ông Trần Văn Ẩm (78 tuổi, ở Canh Vinh, Vân Canh) đã là bệnh nhân lâu năm của BV Lao và Bệnh phổi từ vài năm qua. Cách đây một tháng, ông nhập viện với triệu chứng khò khè, khó thở, hẹp phế quản. Ban đêm tình trạng bệnh còn nặng hơn. “Trước năm 1975, tôi làm nghề lái xe, nên cũng như hầu hết cánh tài xế khác, gói thuốc lá trở thành vật bất ly thân, mỗi ngày đốt một gói là bình thường. Đến năm 2009 tôi mới được chẩn đoán bị COPD. Năm 2011 tôi quyết định cai hẳn thuốc lá, nhưng đến giờ tình trạng bệnh không thuyên giảm. Trước khi đến BV Lao và Bệnh phổi, tôi đã chạy chữa nhiều nơi, kể cả các BV ở TP Hồ Chí Minh như: BV Phạm Ngọc Thạch, BV Trường Đại học Y dược, BV Hoàn Mỹ... Giờ thì tôi đã xác định sống chung với bệnh này, cứ vài tháng lại phải khám, điều trị” - ông Ẩm than thở đầy tiếc nuối.
Ông Đoàn Cảnh Vân (72 tuổi, ở Đắk Pơ, Gia Lai) cũng có “thâm niên” hút thuốc hơn 50 năm. Trước đây, ông cũng thường khám một số bệnh liên quan đến đường hô hấp, nhưng triệu chứng khi đó còn nhẹ, nên sau khi điều trị dứt ông lại “bập phà” như thường. Từ đầu năm 2017 đến nay, ông liên tục nhập viện vì cảm thấy khó thở, nhiều lúc tưởng như... “ngưng thở hẳn”. Ông Vân cho biết: “Từ tháng 2.2017, khi khám ở BV Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh), tôi mới biết mình bị COPD. Chỉ trong vòng 4 tháng, tôi đã trải qua khoảng chục lần đến các cơ sở y tế để khám vì luôn thấy khó thở. Bỏ thuốc lá đã được... một tháng qua nhưng vẫn chưa bớt, tôi phải dùng thuốc xịt liên tục vào cổ họng mới thấy dễ thở hơn chút ít”.
Theo bác sĩ Đỗ Phúc Thanh, bệnh nhân COPD thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có những biến chứng nên việc can thiệp ít mang lại hiệu quả và là gánh nặng về y tế và kinh tế cho gia đình bệnh nhân và xã hội. Do đó, điều đầu tiên mọi người cần làm, kể cả khi chưa phát hiện mắc COPD cần bỏ thuốc lá ngay lập tức. Khám sức khỏe và đo chức năng hô hấp định kỳ cho các đối tượng có triệu chứng ho, khạc đờm mạn tính hoặc không có triệu chứng nhưng có tiền sử tiếp xúc yếu tố nguy cơ để phát hiện và điều trị sớm COPD. Cần triển khai các mô hình CLB về COPD trên địa bàn tỉnh và giáo dục sức khỏe trên thông tin đại chúng để giúp cộng đồng biết về COPD. Các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng cần triển khai nghiêm Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
LÊ CƯỜNG