Giấc mơ du lịch của Myanmar đang phai nhạt?
Năm 2011, khi Myanmar mở cửa với thế giới bên ngoài sau gần 50 năm thuộc chế độ quân sự, quốc gia này được cho là có tiềm năng trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Với những cảnh quan hùng vĩ và số lượng lớn các đền chùa cổ, các cơ quan hoạch định chính sách du lịch Myanmar kỳ vọng du khách sẽ đóng vai trò chính cho sự phát triển, như quốc gia láng giềng Thái Lan từng làm được.
Một du khách chụp ảnh tại một ngôi đền ở Bagan.
Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như kế hoạch. Tình trạng dư thừa phòng thường xuyên diễn ra do xây dựng khách sạn quá nhiều, trong khi việc quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng lỏng lẻo khiến nhiều di tích quốc gia bị xâm hại, như khu vực khảo cổ Bagan hay hồ Inle.
Cố vấn du lịch cho chính phủ Myanmar Paul Rogers nói rằng: “Đất nước này đối mặt với một thách thức rất lớn trong việc phát triển một lĩnh vực phức tạp như thế này, trong khi không có kinh nghiệm gì.”
Kể từ khi mở cửa, Myanmar liên tục đón làn sóng đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Người dân nước này được trải nhiệm nhà hàng thức ăn nhanh theo kiểu phương tây đầu tiên, cũng như sự xuất hiện của nhà máy đóng chai của Coca-Cola hay dịch vụ điện thoại di động. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2016 Myanmar là một trong những quốc gia châu có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Á.
Chùa vàng Shwedagon.
Mặc dù vậy, Myanmar vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới; bạo lực sắc tộc vẫn diễn ra.
Năm 2013, Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar lập dự thảo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp không khói, với mục tiêu đạt 7,5 triệu du khách vào năm 2020. Kế hoạch này cũng đặt mục tiêu thu 10,2 tỉ đô la Mỹ từ du lịch. Tuy nhiên, mục tiêu này hiện dường như khó thành hiện thực, nhất là sau khi bộ này bị chỉ trích vì số liệu thống kê bao gồm cả số lượng du khách đi trong một ngày.
Số liệu mới đây cho thấy, năm 2016 Myanmar chỉ đón được 2,9 triệu du khách, giảm 38% so với năm 2015 (4,7 triệu khách).
Theo Rogers, những dự báo về tiềm năng du lịch khiến nhiều nhà đầu tư đổ tiền xây khách sạn. Số liệu của Bộ Khách sạn và Du lịch cho thấy, trong 5 năm (tính đến năm 2015) có 1.300 khách sạn được xây dựng ở Myanmar, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài đồng ý rót tổng cộng 2,7 tỉ đô la Mỹ cho đầu tư khách sạn.
Bằng chứng về tình trạng cung vượt cầu này có thể thấy rõ tại thủ đô Naypyitaw. Nơi đây hiện được xem là thủ đô hoang vắng với những con đường cao tốc nhiều làn trống trơn, các cửa hàng thường xuyên đóng cửa và số phòng khách sạn thường xuyên trống lên đến 5.000 phòng.
Một đường cao tốc vắng tanh ở thủ đô Naypyitaw.
Ngay cả ở ngoài thủ đô, số phận của các khách sạn cũng không khá hơn. Theo số liệu của Liên đoàn Hiệp hội Du lịch Myanmar, tỉ lệ phòng khách sạn được lấp đầy trong năm 2016 là dưới 40% vào mùa hè và mùa xuân, trong khi vào mùa cao điểm (tháng 11-tháng 3), con số cũng không khả quan hơn (khoảng 50%).
Tháng 9.2016, Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar cho biết sẽ hạn chế các dự án khách sạn tại một số điểm du lịch chính, bao gồm cả Yangon.
Trong khi đó, Cơ quan Hàng không Dân dụng Myanmar có kế hoạch mở rộng Sân bay Quốc tế Yangon, với mục tiêu phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm từ năm 2018, chưa kể kế hoạch xây thêm một sân bay thứ 2 với sức chứa 12 triệu hành khách.
Theo nhận xét của một chuyên gia, việc quy hoạch thiếu bài bản cũng góp phần gây tổn hại đến hệ sinh thái của Myanmar và giảm sức hấp dẫn của nước này, ngay cả trước khi du lịch có cơ hội cất cánh. Chủ một khách sạn ở bãi biển Ngapali cho biết, trong nhiều năm qua cát tại bãi biển này bị lấy đi cho các dự án xây dựng gần đó, trong khi cơ quan chức năng không thực hiện nghiêm các quy định về cấm khai thác cát.
Tại hồ Inle, một địa điểm du lịch nổi tiếng với các làng chài truyền thống, hồi năm 2012 rừng cây gần đó bị chặt hạ để làm đường và xây dựng các công trình mới.
Lê Quảng (theo Bloomberg)