Thị trường điện lạnh “nóng” theo thời tiết
Nắng nóng gay gắt kéo dài từ cuối tháng 5 đến nay khiến nhiều người đổ xô đi mua các thiết bị điện lạnh để giải nhiệt, nhất là máy lạnh, quạt phun sương, quạt hơi nước. Dịch vụ lắp đặt, sửa chữa thiết bị theo đó cũng “quá tải”.
Sức mua gấp 3 lần ngày thường
So với các năm trước, mùa nóng năm nay có những lần nhiệt độ tăng kỷ lục, khiến nhu cầu mua sắm đồ điện lạnh của người dân tăng đột biến. Các trung tâm, siêu thị, cơ sở kinh doanh điện máy, điện lạnh trên địa bàn tỉnh đang hút khách với nhiều loại thiết bị chống nóng, giải nhiệt.
Khách hàng chọn mua máy làm mát tại một cơ sở kinh doanh điện lạnh ở TP Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Sản phẩm bán chạy nhất trong hè này là máy điều hòa nhiệt độ và máy làm mát không khí. Trong đó, dòng sản phẩm “quạt điều hòa” được ưa chuộng vì phù hợp túi tiền (từ 3-7 triệu đồng/chiếc, tùy thương hiệu) và tâm lý khách hàng cho rằng sản phẩm này... tiết kiệm điện. Dù vậy, các cơ sở kinh doanh điện lạnh đều cho hay, máy điều hòa nhiệt độ vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của phần đông khách hàng. Đặc biệt là, sản phẩm có công nghệ inverter tiết kiệm điện chiếm khoảng 70% dòng điều hòa được bày bán hiện nay. Với phân khúc khách hàng tập trung mạnh vào dòng sản phẩm điều hòa có giá dưới 10 triệu đồng/máy thì không chỉ tại các siêu thị điện máy mà tại các cửa hàng nhỏ lẻ cũng khá sôi động.
Từ cuối năm 2015 đến nay, thị trường điện máy, điện lạnh tại Bình Định đã bị chia phần bởi các chuỗi siêu thị điện máy đình đám như Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn… Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh điện máy lớn cho biết, trong đợt cao điểm nắng nóng, doanh số hàng điện lạnh vẫn tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cao điểm, mỗi cơ sở kinh doanh của chuỗi siêu thị điện máy bán ra hơn 50 máy điều hòa/ngày, gấp 3 lần so với những ngày trước. Còn ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV điện tử Việt Nhật (TP Quy Nhơn), thì cho hay: Doanh nghiệp đã phải huy động toàn bộ nhân lực, kỹ thuật của trạm bảo hành, thuê cả nhân công bên ngoài đi lắp điều hòa cho khách hàng.
Điều đáng nói, sự sôi động của thị trường thiết bị điện lạnh thời điểm này khiến cho giá của nhiều dòng sản phẩm có sự chênh lệch. Đơn cử, cùng một dòng điều hòa Panasonic thế hệ mới tích hợp công nghệ inverter, giá bán giữa các cơ sở kinh doanh chênh nhau đến 2-3 triệu đồng/máy. Một chủ cơ sở kinh doanh cho hay, tình trạng “đầu cơ” thường diễn ra khi lượng sản phẩm tiêu thụ tăng mạnh, nhất là với các cơ sở kinh doanh vừa sỉ vừa lẻ.
Chật vật “xếp lịch” lắp đặt, sửa chữa
Nhu cầu sử dụng và lắp điều hòa trở nên cấp thiết kéo theo dịch vụ lắp đặt, sửa chữa luôn trong tình trạng kín lịch. Tuy nhiên, thợ điều hòa lại thích làm các dịch vụ bơm gas, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị hỏng hóc hơn so với lắp đặt máy mới, với lý do mà theo tiết lộ của anh Thanh, một thợ điện lạnh, là: “Tiền công lắp đặt tầm 150-200 ngàn đồng/máy, còn tiền công sửa chữa từ 300-500 ngàn đồng/máy, tùy lỗi hỏng hóc. Vệ sinh bảo dưỡng, bơm gas và khắc phục sự cố không tốn quá nhiều thời gian, không quá vất vả như việc lắp mới. Vì nên chúng tôi thường từ chối lắp mới hoặc hẹn khách vài hôm tới mới lắp đặt”.
Điều này dẫn đến tình trạng, có siêu thị điện máy phải “mướt mồ hôi” tìm thợ lắp máy cho khách, dù có đội ngũ kỹ thuật và cộng tác viên lắp đặt, sửa chữa máy điều hòa lên đến 20 người.
Anh Bùi Trọng Nguyên, chủ một nhóm thợ điện lạnh lành nghề tại TP Quy Nhơn, cho biết: “Hiện nay, nhóm chúng tôi có 4 thợ lành nghề, vẫn ưu tiên cho các đơn hàng lắp đặt máy mới là khách hàng “ruột”. Các đơn hàng này đều phải xếp lịch, ngắn thì một hai ngày, có khi phải 5 ngày mới xử lý được. Thậm chí, chúng tôi còn không dám nhận đơn hàng mới của các siêu thị điện máy gọi đến”.
Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề sửa chữa và lắp đặt điều hòa, anh Nguyên cho hay, nhiều gia đình có thói quen thời tiết càng nóng càng để điều hòa ở nhiệt độ thấp, thậm chí cho điều hòa chạy 24/24 giờ trong ngày. Thói quen này có thể dẫn tới nguy cơ điều hòa phát nổ vì quá tải. “Với những ngày thời tiết không quá nóng, nên đặt điều hòa ở chế độ 25-280C. Mức nhiệt này vừa đảm bảo thoải mái cho mọi người, vừa tiết kiệm tiền điện, giảm nguy cơ phát nổ cho cục nóng của điều hòa, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đặc biệt, điều hòa sử dụng cần phải được vệ sinh định kỳ 5-6 tháng/lần để đảm bảo độ bền, an toàn và chi phí”, anh Nguyên lưu ý.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Tài, khi chọn mua điều hòa cần chú ý đến công suất phù hợp. Bởi, nếu công suất điều hòa quá nhỏ với diện tích phòng thì điều hòa sẽ phải chạy liên tục mới có thể làm mát được hết phòng, kéo theo tiền điện sẽ tốn hơn. Chưa kể, chạy quá tải cũng khiến máy chóng hỏng.
THU HIỀN