Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp: Hệ quả của việc phát triển ồ ạt, tự phát
Ðầu năm 2017 đến nay, nhiều diện tích cây hồ tiêu tại Hoài Ân, Hoài Nhơn bị bệnh chết nhanh, chết chậm gây hại và có dấu hiệu lan rộng. Hiện, chưa có thuốc đặc trị bệnh này, khiến nhiều vườn tiêu chết rụi, nông dân trắng tay. Theo ngành chức năng, đây là hậu quả của tình trạng phát triển cây hồ tiêu một cách tự phát, không theo quy hoạch và thiếu hiểu biết trong phòng trừ dịch bệnh.
56 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT-BVTV) thuộc Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 714 ha hồ tiêu, tập trung tại các huyện: Hoài Ân 530 ha, Hoài Nhơn 115 ha, Phù Mỹ 38,2 ha, An Lão 25 ha… Tuy nhiên, đầu năm đến nay đã có đến 56 ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh (tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2016), tập trung tại huyện Hoài Ân (46 ha) và Hoài Nhơn (10 ha).
Ông Đỗ Thành Long, chủ vườn tiêu ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đồng (Hoài Ân), cho biết: Vườn tiêu của tôi rộng gần 1 ha, với 700 gốc đang giai đoạn cho thu hoạch năm thứ 6. Tuy nhiên, từ cuối mùa mưa năm 2016 đến nay, nhiều gốc tiêu đang phát triển xanh tốt bỗng dưng vàng lá, chết dần. Các vụ thu hoạch trước mỗi năm tôi thu trên 2 tấn; nhưng năm nay, dịch bệnh phát sinh nhiều, sản lượng bị sụt giảm hơn một nửa.
Tại Hoài Nhơn, nhiều vườn hồ tiêu cũng mắc bệnh chết nhanh, chết chậm gây thiệt hại nặng nề. Theo bà Trương Thị Thúy Ức, Phó Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cây tiêu có mặt trên đất Hoài Nhơn đã lâu. Khoảng 3 năm nay, do giá tiêu tăng vùn vụt nên nông dân trong huyện đổ xô trồng tiêu; hiện tổng diện tích đến 115 ha. Từ cuối mùa mưa năm 2016, do nhiều diện tích bị ngập úng, nông dân thiếu biện pháp chăm sóc dẫn đến tình trạng hồ tiêu bị chết hàng loạt với khoảng trên 10 ha, tập trung trên địa bàn các xã Hoài Tân, Hoài Phú, Hoài Hảo, Hoài Sơn, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây... Biểu hiện của bệnh chết nhanh, chết chậm là các chóp rễ cái của hồ tiêu thối đen, không còn rễ tơ, lá chuyển sang màu vàng rồi rụng, cây không có khả năng phục hồi.
Ông Võ Đồng, ở thôn Hội Phú, xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn), cho biết: “Thấy vùng đất đồi gò ở địa phương phù hợp, nên tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng 1.800 trụ tiêu, trong đó có khoảng 1.100 trụ đã trồng được 5 năm tuổi, đang trong giai đoạn kinh doanh. Từ cuối mùa mưa năm 2016, tôi phát hiện có nhiều trụ tiêu bỗng dưng vàng lá, chết dần, sau đó lan rộng ra cả vườn. Đến nay đã có 600 trụ tiêu bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV, cho biết: Nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu là do nấm Phytopphthora spp gây hại; nấm bệnh kết hợp tuyến trùng, rệp sáp hại rễ làm cho rễ cái cây tiêu thối đen, gây rụng lá, chết dần. Chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn thống kê diện tích bị nhiễm bệnh; kịp thời thông báo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ.
Hệ quả của việc phát triển ồ ạt
Theo ngành chức năng, ngoài yếu tố thời tiết bất lợi, việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu trong thời gian gần đây cũng là nguyên nhân gây dịch bệnh bùng phát trên cây hồ tiêu.
Tại huyện Hoài Ân, năm 2010 toàn huyện chỉ có 230 ha tiêu, đến nay đã tăng lên 530 ha. Tại Phù Mỹ, 5 năm qua, nhiều nông dân cũng đổ xô trồng tiêu; một số hộ phá bỏ cây điều để trồng tiêu. Đến nay, toàn huyện đã trồng gần 40 ha hồ tiêu, tập trung tại các xã Mỹ Trinh, Mỹ Châu, Mỹ Phong, Mỹ Đức... Tại Hoài Nhơn, diện tích cây tiêu cũng phát triển từ 50 ha năm 2013 lên 115 ha hiện nay. Các huyện khác như Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh... nông dân cũng mở rộng diện tích hồ tiêu bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.
Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết: Do giá tiêu trong nhiều năm trở lại đây thường xuyên ở mức cao (có lúc tăng đến 240 ngàn đồng/kg) nên đã kích thích người dân phát triển nóng. Qua kiểm tra các vườn tiêu bị dịch bệnh cho thấy, phần lớn là do nông dân trồng tự phát, không theo quy hoạch. Tại một số huyện như: Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn... nông dân trồng hồ tiêu ngay cả ở các vùng đất trũng thấp, thường xuyên ứ đọng nước vào mùa mưa. Bên cạnh đó, do phát triển ồ ạt, thiếu hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm nên khi dịch bệnh xảy ra, nông dân lúng túng không biết cách xử lý kịp thời.
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT đã yêu cầu Chi cục TT-BVTV kiểm tra, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Hiện đơn vị chức năng đã ban hành, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.
Theo khuyến cáo của Chi cục TT-BVTV, để phòng ngừa bệnh hiệu quả cho vườn tiêu, bà con nông dân cần chú ý đến khâu chăm sóc, vệ sinh vườn để giảm thiểu hiện tượng cây hồ tiêu chết. Vào đầu mùa mưa, người trồng tiêu phải phá bồn giữ nước quanh gốc tiêu để chống ứ đọng nước, bón phân NPK cân đối, chú trọng bón phân hữu cơ, ủ xác thực vật vào gốc tiêu để bổ sung chất hữu cơ cho đất, vừa phát huy hệ vi sinh vật có ích và hạn chế bệnh phát sinh.
“Nông dân nên thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột... Sau vụ thu hoạch, cần tiến hành dọn vườn, khử trùng bề mặt và nâng cao độ pH của đất bằng vôi bột để tránh lây lan nguồn bệnh. Song song với các biện pháp trên, cần ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc BVTV an toàn để phòng, trừ bệnh; xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại mới”, ông Nguyễn Tấn Phát lưu ý.
NGUYỄN HÂN