Ðịa đạo Gò Quánh: Một chứng tích bị bỏ quên
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở thôn Mỹ An, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, hệ thống địa đạo Gò Quánh góp phần tích cực làm nên thắng lợi lịch sử không những của xã Hoài Thanh mà còn của huyện Hoài Nhơn. Tuy nhiên, sau năm 1975, chứng tích này đã bị bỏ quên!
1. Tháng 4.2017 người viết về Hoài Nhơn, gặp ông Mai Tiến Dũng, 77 tuổi, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội Hoài Nhơn, là người biết tường tận về địa đạo này. Nghe nhắc đến địa đạo Gò Quánh, ông sôi nổi hẳn lên…
Theo ông Dũng, trong vườn người em ruột của ông là ông Mai Quang Mạnh (60 tuổi) hiện vẫn còn miệng địa đạo và gần đó còn cả căn hầm bí mật trong giếng nước thuộc khu đất của ông Huỳnh Mô.
Ông Mai Tiến Dũng (bên phải) và ông Nguyễn Văn An trong chuyến khảo sát tìm lại hệ thống địa đạo Gò Quánh.
Ông Dũng kể: “Sau khi học tập kinh nghiệm chiến đấu dựa theo hệ thống địa đạo ở Củ Chi, đồng chí Lâm Hỷ - Huyện đội trưởng Hoài Nhơn - về báo cáo ngay với Huyện ủy. Thấy rằng địa đạo sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi, Huyện ủy chỉ đạo cho triển khai. Sau đó Gò Quánh được chọn với 3 lý do: Thứ nhất yếu tố bí mật, vì độ tin cậy cao, các gia đình xung quanh cùng dòng họ đều tham gia cách mạng. Thứ hai: cấu trúc địa chất ở khu vực đó là đất sỏi cơm, nên vừa dễ đào vừa đủ cứng để chống sập. Thứ ba: yếu tố bất ngờ giữa các gò đồi như đồi Nghiêm, đồi Mỹ, đồi A, đồi Ấm, Gò Tùng…và gần các hố thuộc dãy núi Hoài Hương, Hoài Xuân, thuận lợi trong chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng các xã.
Thực hiện đường lối quân sự của Đảng, xác định cuộc chiến đấu còn trường kỳ gian khổ, hy sinh ác liệt. Phải dựa vào dân, xây dựng phương châm “chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện”, “chiến tranh du kích”, Huyện ủy quyết tâm “xây dựng hệ thống công sự địa đạo”, tạo thế trận vững vàng ngay giữa lòng dân.
Địa đạo bắt đầu được đào từ cuối năm 1964 và hoàn chỉnh trong năm 1966; chủ yếu đào vào ban đêm. Nhưng những lúc thuận lợi, xã lại phân công người canh gác để đào cả giữa ban ngày. Những lúc cần bổ sung nhân lực, huyện chỉ đạo lấy thêm người nơi khác. Công cụ dùng để đào là cuốc, cúp, xẻng, xà beng…do thợ rèn địa phương sản xuất.
2. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, ở thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 1, Huyện đội Hoài Nhơn, kể: Đơn vị ông từng sử dụng địa đạo Gò Quánh để chiến đấu. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, địa đạo Gò Quánh thật sự là một công trình lớn đầy sáng tạo của quân dân ta!
Tháng 6.2017, ông Mai Tiến Dũng dẫn đầu một nhóm cựu chiến binh đi khảo sát để tìm lại chứng tích địa đạo. Đã bỏ hoang 42 năm nên các miệng hầm sạt lở nhiều, một số miệng đã bị lấp, cây cối gai góc mọc um tùm. Thấy đoàn cựu chiến binh đi khảo sát chứng tích chiến tranh, ông Huỳnh Tân (58 tuổi, ở Mỹ An) kể: “Cách đây lâu lắm, có con gà nhà rơi xuống miệng hầm, tôi thả thang xuống bắt lại thì phát hiện ở dưới có 2 ngách. Địa đạo cao hơn đầu, hai người đi thoải mái. Địa đạo rất dài, tôi chỉ dám đi một đoạn nhưng đã kịp phát hiện ở dưới này có chiếc xe máy “chiến lợi phẩm” và đạn cối. Quanh đây, ít nhất còn có 2 miệng hầm địa đạo nữa!”.
Ông Nguyễn Duy Quý, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh, kể: “Cơ quan Huyện đội Hoài Nhơn có cơ quan đặt tại địa đạo này. Ðịa đạo có 2 tầng, tầng dưới có thông hơi lên thẳng mặt đất. Ban ngày ở địa đạo, ban đêm “trồi” lên đánh địch. Nhờ địa đạo và hầm bí mật mà lực lượng ta ít tổn thất…”
Địa đạo Gò Quánh từng đón nhiều cán bộ quan trọng bấy giờ, điển hình như các đồng chí: Trần Quang Khanh - Bí thư Tỉnh ủy, Võ Lựu - Bí thư Huyện ủy, Nguyễn Duy Quý - Phó Bí thư Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội… qua các giai đoạn, chỉ đạo phong trào. Cùng hệ thống địa đạo, sức chiến đấu của ta còn tăng lên đáng kể nhờ hệ thống giao thông hào chiến đấu, hầm bí mật bảo vệ dày đặc. Từ nơi đây, quân ta nhiều lần khiến kẻ địch thất điên bát đảo.
Ông Nguyễn Văn An (quê ở xã Hoài Thanh, nay định cư ở xã Hoài Hương, nguyên Đại đội phó Đại đội 4 pháo binh, Huyện đội Hoài Nhơn) kể: “Năm 1968, tôi là chiến sĩ tiểu đoàn 30 - Sư đoàn 3 Sao Vàng. Đơn vị tôi đã bí mật chuyển pháo 120, DK75, cối 82…xuống địa đạo Gò Quánh để chuẩn bị đánh địch. Địa đạo rất rộng, có chỗ rộng đủ cho cả trung đội ở cùng một lúc; có nơi được khoét rộng để kê cả bộ phản ngựa. Địa đạo rất thoáng. Trong địa đạo có cả kho, có lần đơn vị di chuyển vào Phù Cát, chúng tôi để bớt súng đạn dưới đó. Địa đạo hoàn chỉnh khoảng năm 1966 nhưng sau đó vẫn được lai rai đào tiếp, mãi đến năm 1973, vẫn còn được đào mở rộng thêm mà! Chúng tôi đánh địch ở địa bàn này, địa đạo Gò Quánh thật sự là một công trình cực kỳ lợi hại!”.
Để đảm bảo bí mật của công trình, cùng với các miệng hầm bí mật, ngụy trang cẩn thận, tại nhiều vị trí, những người trực tiếp đào địa đạo đã đào thêm nhiều giếng nước để nghi trang. Và chính các giếng này vừa đảm bảo thông thoáng, vừa là chỗ để lấy nước phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong địa đạo. Theo khảo sát sơ bộ của nhóm cựu chiến binh, ở Mỹ An, hiện tại còn 9 miệng hầm.
Thật ra, năm 1967, khi địa đạo chưa hoàn chỉnh, địch đã 1 lần phát hiện công trình địa đạo và bắt được 8 thương binh, 1 y tá của Sư đoàn 3. Sau đó chúng đánh mìn, dùng xe ủi, máy cày phá sập một phần. Nhưng điều chúng không thể ngờ đó chỉ là một phần rất nhỏ của hệ thống.
3. Nếu tính từ lúc hoàn thành địa đạo tới giờ, gần 60 năm đã trôi qua. Những người từng sống, chiến đấu dựa vào hệ thống địa đạo Gò Quánh lớp hy sinh, lớp qua đời…, những chứng nhân địa đạo giờ còn không nhiều. Nếu không kịp khôi phục sẽ thật đáng tiếc. Đồng chí Nguyễn Duy Quý, nguyên quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, gửi gắm: “Trước mắt, huyện Hoài Nhơn nên sớm có kế hoạch khôi phục lại địa đạo Gò Quánh, đây là chứng tích lịch sử rất quan trọng, là xương máu của quân dân Hoài Nhơn, không thể để lãng quên. Bỏ quên là có tội với lịch sử…”.
NGUYỄN NGỌC LỐI