TQ: Nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm do người dân chuộng thực phẩm xanh
Các nhà sản xuất món há cảo (dumpling) đông lạnh tại Trung Quốc đang phải tìm hướng đi mới bằng cách: tăng lượng rau và giảm lượng thịt heo trong món ăn này.
Một khách hàng đang chọn mua thịt tại một chợ bán thịt ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
Nguyên nhân được cho là người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, đang cố gắng ăn ít chất béo hơn, trong khi món dumpling truyền thống lại chủ yếu được làm từ thịt heo.
Theo Ellis Wang, giám đốc tiếp thị của tập đoàn thực phẩm Mỹ General Mills, chủ nhãn hàng dumpling nổi tiếng Wanchai Ferry, khách hàng Trung Quốc, nhất là ở độ tuổi 20-35, có xu hướng ăn các món ăn có lợi cho sức khỏe 1-2 tuần/lần.
Đối với những người chăn nuôi heo tại Trung Quốc cũng như nước ngoài, điều này thật khó chấp nhận, vì trước đó các nhà sản xuất và chuyên gia thị trường kỳ vọng tăng trưởng trong thị trường này tiếp tục ít nhất đến năm 2026.
Những người chăn nuôi heo tại Trung Quốc đầu tư các chuồng trại lớn nhằm chiếm lĩnh thị phần lớn hơn tại thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới này, trong khi các công ty nước ngoài cũng thay đổi cách chăn nuôi heo để đáp ứng tiêu chuẩn thịt heo của Trung Quốc, như ngừng sử dụng hormone tăng trưởng đã bị cấm tại Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc vẫn tiêu thụ thịt nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ước tính, người dân nước này sẽ tiêu thụ khoảng 74 triệu tấn thịt heo, bò và gia cầm trong năm nay, nhiều hơn gấp 2 lần so với Mỹ.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thịt heo lại sụt giảm nhanh hơn những dự báo chính thức. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh số bán thịt heo giảm trong 3 năm qua, trong đó năm 2016 là 40,85 triệu tấn, ít hơn năm 2014 (42,49 triệu tấn) và con số này tiếp tục giảm trong năm nay.
Kể từ tháng 1.2017, giá thịt heo tại Trung Quốc giảm khoảng 25%, mặc dù nguồn cung cấp ít hơn so với năm 2016.
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa vào cuối những năm 1970, trung bình mỗi năm nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại nước này tăng 5,7%, nhưng hiện nay những lo ngại về bệnh béo phì và bệnh tim thay đổi thói quen ăn thịt của người dân Trung Quốc.
Trong khi đó, doanh số của món dumpling chay tăng 30% trong năm 2016. Theo công ty Harmony Catering, sức khỏe là yếu tố quyết định trong việc giảm lượng thịt trong bữa ăn mà công ty này phục vụ cho khoảng 1 triệu công nhân tại 300 nhà ăn mỗi ngày.
Nhân viên của các công ty công nghệ, ngân hàng và tập đoàn dầu khí là khách hàng của Harmony tiêu thụ thịt ít hơn 10% so với cách đây 5 năm, nhưng lượng rau xanh lại tăng khoảng 10%.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) cảnh báo, tỉ lệ trẻ em béo phì tại Trung Quốc tăng nhanh, trong khi nước này đối mặt với tỉ lệ mắc bệnh tim cao và một trong những nguyên nhân được cho là do ăn nhiều thịt đỏ và lượng muối ăn nhiều.
Đối với một tỉ lệ lớn người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay, giá cả thực phẩm không còn là vấn đề quan trọng. Việc xảy ra hàng loạt vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm trong những năm gần đây, trong đó có nhiều vụ liên quan đến thịt, khiến người dân thành phố cảnh giác cao trước chất lượng thực phẩm.
Khảo sát của công ty Nielsen hồi năm 2016 cho thấy, hơn 80% người dân Trung Quốc sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua thực phẩm “sạch”.
Theo nhà kinh tế tại một cơ quan nông nghiệp Mỹ Fred Gale, Trung Quốc hiện đang ở trong thời kỳ mới, khi mà việc tiêu thụ thịt heo và các thực phẩm khác không chỉ đơn giản là “nhiều hơn thì tốt hơn”.
Lê Quảng (theo Reuters)