Ðừng vì hám lợi mà đánh đổi tình thân
Khi “tấc đất” trở nên “tấc vàng”, nhiều vụ tranh chấp đất đai đã diễn ra không chỉ giữa những người xa lạ mà còn với cả những người thân trong gia đình. Họ lao vào vòng kiện tụng, để rồi vừa hao tiền tốn của vừa sứt mẻ tình cảm gia đình, rất khó hàn gắn.
Người trong nhà kiện nhau
Bà N.T.N. (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) có 3 người con, 1 trai 2 gái. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, bà N. đã có lời di chúc miệng rằng ngôi nhà khang trang 3 tầng sẽ để lại cho người con trai giữa là ông H.V.T ở; đồng thời, cũng đề nghị ông T. nếu có ý định bán nhà thì phải có nghĩa vụ thối tiền lại cho 2 chị em của mình, mỗi người 400 triệu đồng. Sau đó, ông T. bán nhà nhưng lại không thỏa thuận được với 2 chị, em của mình nên đã phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến ẩu đả.
Khác với gia đình bà N., để giải quyết nhu cầu nhà ở, gia đình ông T.V.T. (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) quyết định mua thêm một căn nhà sát vách ngôi nhà đang ở để đại gia đình cùng sinh sống, song lại để con trai trưởng đứng tên sở hữu. Mâu thuẫn xảy ra khi người con trai đứng ra sửa sang nhà cửa và đòi bán nửa phần căn nhà rộng gần 300m2 với lý do nhà do mình đứng tên nên có quyền. Cầm tờ đơn trên tay, ông T. năm nay đã 80 tuổi, thở dài: “Chừng này tuổi mà còn đứng đơn đi kiện, mà kiện ai, lại kiện ngay con trai mình... Nhưng giờ nói sao nó cũng không chịu nghe, cực chẳng đã tôi mới nhờ đến pháp luật”.
Một câu chuyện khác, bà N.T.Tr. (huyện Hoài Ân) cho biết, thửa đất 7.737,5 m2 do vợ chồng bà khai hoang để làm rẫy từ năm 1990 (thường gọi là rẫy Đàng Ngang). Đến năm 2009, UBND xã đã yêu cầu kê khai đo đạc lại đất nhằm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đúng lúc này, chồng bà Tr. đau ốm nên bà Tr. nhờ vợ chồng con gái của mình là bà O. đi kê khai và đo đạc cùng với ngành chức năng để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Hệ quả là, GCNQSDĐ lại đứng tên vợ chồng người con gái là ông T. và bà O. Những cuộc hòa giải trong gia đình không đạt được kết quả, bà Tr. đành làm đơn khởi kiện con gái vì đã lợi dụng sự tin tưởng của mình mà làm điều trái đạo lý; và rằng, việc cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng người con mà không có ý kiến của gia đình bà là không hợp tình hợp lý.
Vợ chồng bà O. cho rằng: “Rẫy này bỏ hoang lâu ngày không canh tác nên cha (tức chồng bà Tr. đã mất trước đó) đã cho vợ chồng tôi, chứ bản thân vợ chồng không tự ý lấy. Trong khi đó, bà Tr. và 2 con gái khác lại cho rằng: Thời điểm chồng bà còn sống, vợ chồng bà đều gọi cả 3 người con về cùng canh tác trên diện tích đất ấy, chứ không cho riêng bất cứ một ai.
Người ngoài nghe chuyện này đều tắc lưỡi: Chỉ có chút đất, lại là chị em, mẹ con với nhau, mỗi bên nhún nhường một chút thì đâu đến nỗi…
Cần tăng cường tuyên truyền
Sau những tranh chấp đất đai trong gia đình, dòng họ, hậu quả để lại chính là những mất mát về tình cảm không thể bù đắp được. Một vị thẩm phán của TAND tỉnh chia sẻ: “Tham gia xét xử nhiều vụ án tranh chấp đất đai hay thừa kế có yếu tố gia đình, tôi thấy rằng sau mỗi bản án của tòa đều có người thắng, người thua; người được, người mất. Nhưng nhìn chung, tình thân ruột thịt đều mất đi sau bản án, nhiều người chỉ vì mấy mét vuông đất mà sẵn sàng vứt bỏ tình cảm, máu mủ của mình. Đó là mất mát đáng tiếc nhất!”.
Thời buổi kinh tế thị trường, về mặt nào đó, tình cảm con người được đo bằng… tiền. Điều này không ngoại lệ với những người có cùng dòng máu. Họ sẵn sàng đối mặt, đối đầu và có thể là đối thủ với nhau khi đất đai, tiền bạc chưa rõ ràng. “Để có thể hạn chế được tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra như hiện nay, nhất là đối với tranh chấp trong dòng họ, gia đình, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cơ quan, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Bên cạnh đó, để hạn chế những tranh chấp phát sinh, mỗi người dân cần tuân thủ pháp luật; hiểu rõ quy định về đất đai, thừa kế để làm những giấy tờ hợp lệ, đảm bảo quyền lợi của mỗi người, tránh tranh chấp”, ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh, nói.
Ngoài ra, cũng cần chú trọng công tác vận động và hòa giải ở cơ sở để “hóa giải” những mâu thuẫn về đất đai. Cơ quan xét xử phải đảm bảo thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, công bằng, tránh để người dân khiếu kiện kéo dài, nhất là những vụ việc tranh chấp đất đai thường rất phức tạp. Suy cho cùng, đất đai là tài sản có giá trị nhưng theo thời gian sẽ vơi đi, còn tình cảm ruột thịt, tình cảm gia đình mới là thứ vô hình nhưng vô giá. Người đời vẫn có câu “Của cải là vật ngoài thân”, lúc lìa xa cõi đời này không ai mang sang thế giới bên kia được. Vậy nên, đừng vì một vài tấc đất mà làm rạn nứt tình thân, để rồi đánh mất đi và không bao giờ có lại được.
NHẬT LINH