An Quang: Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ bò giống
Sau nhiều năm triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong đó có chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế tại xã An Quang, huyện An Lão, đã từng bước mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Chị Đinh Thị Hoái, ở thôn 2 xã An Quang, đang vệ sinh chuồng trại nuôi bò. Ảnh: HỮU BÁ
An Quang là một trong những xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện An Lão. Trong những năm qua, người dân đã thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi… để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Trong đó, chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản là một trong những chính sách thiết thực, đem lại nhiều hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân địa phương.
Từ năm 2010 đến nay, chương trình đã hỗ trợ 55 con bò giống sinh sản (tổng trị giá hơn 750 triệu đồng) cho 55 hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn xã. Hiện còn trên 96% số bò giống còn sống và phát triển tốt; số bê con sinh ra từ số bò cái hỗ trợ ban đầu trên 30 con, nâng đàn bò trong xã lên 689 con, tỉ lệ bò lai từ 5% tăng lên trên 35% tổng đàn.
Nhờ chăn nuôi bò sinh sản từ chương trình hỗ trợ mà nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định, chủ động phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như hộ anh Đinh Văn Ri ở thôn 4, xã An Quang. Là hộ nghèo, gia đình anh được hỗ trợ một bò cái nền sinh sản; nhờ chăm sóc tốt, áp dụng đúng quy trình theo hướng dẫn, đến nay bò mẹ ban đầu đã sinh được 5 con. Anh Ri tâm sự: “Mới đây tôi đã bán một con bò hơn 12 triệu đồng để sữa chữa lại ngôi nhà ở của mình. Hiện tại gia đình có đàn bò 4 con trong đó có 2 bò cái lớn và 2 bê con. Đây là cơ hội để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Còn chị Đinh Thị Hoái ở thôn 2, bộc bạch: “Gia đình tôi cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011, Chương trình 30a đã hỗ trợ một con bò cái sinh sản, đến nay bò giống ban đầu đã sinh sản thêm được 3 con và hiện 1 con cũng sắp đến kỳ sinh sản. Tôi thấy chính sách hỗ trợ bò cái sinh sản rất thiết thực, mang lại nhiều hiệu quả”.
Chương trình hỗ trợ bò sinh sản còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở An Quang chuyển đổi dần từ phương thức chăn thả rông sang chăn nuôi bán thả rông, tập trung để có điều kiện chăm sóc tốt hơn; đồng thời áp dụng được những biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi để đem lại hiệu quả.
Ông Võ Văn Chương, Phó chủ tịch UBND xã An Quang, cho biết thêm: “Hiệu quả từ chương trình đem lại là nâng cao được số lượng, chất lượng đàn bò lai trên địa bàn; giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi từ hướng thả rông sang chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh; qua đó đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình, tăng thêm thu nhập, tạo việc làm, góp phần phát triển KT-XH của địa phương”.
HỮU BÁ