Chỉ được thu tác quyền âm nhạc trong giới hạn được ủy quyền
Không dừng lại ở những thắc mắc xung quanh đối tượng thu tác quyền âm nhạc tại các bãi trông giữ xe, bệnh viện… mà vấn đề thu bản quyền tác giả sao cho công khai, minh bạch.
Đây là vấn đề “nóng” được đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Hà Nội chiều 20.6. Bà Phạm Kim Oanh, Cục phó Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL đã có trao đổi với báo chí về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Quan điểm của Cục Bản quyền tác giả như thế nào về đề xuất thu tiền tác quyền âm nhạc tại điểm gửi xe, bệnh viện…?
Bà PHẠM KIM OANH: Theo căn cứ pháp lý, theo Luật Sở hữu trí tuệ cũng như Nghị định 100 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thì tại Điều 33 của luật này quy định: Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. Không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại tòa theo quy định của pháp luật.
Để hướng dẫn cụ thể điều này thì tại Nghị định 100 khoản 2 Điều 35 quy định tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại khác. Đó là căn cứ pháp lý, còn việc triển khai việc thu tiền bản quyền này thì các cá nhân tổ chức có quyền thu trực tiếp hoặc cho phép người khác sử dụng. Tuy nhiên, theo Luật Sở hữu trí tuệ thì các trung tâm được tác giả ủy quyền chỉ được thu theo ủy quyền trong phạm vi các cá nhân, tổ chức có ủy quyền cho trung tâm. Việc thực hiện này phải công khai, minh bạch.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ quy định, các tổ chức, cá nhân chỉ được thu tiền của những đối tượng ủy quyền, song hiện vẫn đang tồn tại hiện tượng thu “trọn gói”, không phân biệt được rõ đâu là phần của tác giả được ủy quyền và đâu là của người chưa ủy quyền. Vậy việc thu như vừa qua có phải là đang làm sai?
Đúng nguyên tắc là chỉ được làm trong những phần được ủy quyền. Cục Bản quyền tác giả đã có công văn nhắc nhở các trung tâm, các tổ chức quản lý tập thể về quyền, phải thực các quy định của pháp luật, đảm bảo các quy định trong bộ Luật Dân sự về ủy quyền và quyền đại diện. Trong trường hợp họ hoạt động không đúng thì các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện trong phạm vi của mình có thể gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra Bộ VH-TT-DL, xem xét trên từng trường hợp cụ thể.
Cục Bản quyền tác giả đã tham mưu đề xuất với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, triển khai với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan như Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cơ quan chủ quản của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để có những buổi làm việc triển khai Nghị quyết 35 để làm sao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hoạt động, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về Sở hữu quốc tế ngày càng công khai, minh bạch.
Trước khi thu thì các đơn vị được ủy quyền có phải trình ra các chứng cứ về việc mình đã được tác giả ủy quyền không? Lý do quá nhiều, không thể “dùng xe tải” để chở hết các văn bản ủy quyền của các trung tâm liệu có được chấp nhận?
Cần phải tuân thủ nguyên tắc về ủy quyền và phạm vi ủy quyền. Tuy nhiên trên thực tế, đôi lúc chúng ta phải linh hoạt có giải pháp để vẫn đảm bảo các quy định của pháp luật. Câu chuyện “dùng xe tải mang văn bản” chứng minh việc được ủy quyền có thể gây khó khăn cho các trung tâm nhưng để việc thực thi được công khai, minh bạch, theo tôi cần có những biện pháp khác như xây dựng các danh mục công khai để những người liên quan có thể kiểm tra, đối soát về các tác phẩm, tác giả ủy quyền.
Liên quan tới việc sửa đổi văn bản pháp luật liên quan tới bản quyền thì năm 2017, kế hoạch của Cục Bản quyền tác giả được giao nhiệm vụ đầu mối chủ trì sửa đổi Nghị định 100 và Nghị định 85, quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan. Bản dự thảo sửa đổi Nghị định được xây dựng và vừa được đăng tải công khai lấy ý kiến của các đơn vị liên quan và ý kiến nhân dân.
Xin cảm ơn bà!
Theo SGGP