Cải cách hành chính ở cấp cơ sở: Vẫn còn tình trạng “giờ dây thun”, thủ tục nhiêu khê
Mặc dù UBND tỉnh và cơ quan chức năng của tỉnh đã ban hành các văn bản cũng như trực tiếp đi kiểm tra, chấn chỉnh, nhưng trên thực tế việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của công chức, viên chức cấp xã trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự nghiêm túc.
Xã làm việc theo... “giờ dây thun”
Theo quy định chung của UBND tỉnh, thời gian làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước, gồm cả UBND cấp xã, thì buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ 30 phút; buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ (trừ ngày nghỉ theo quy định). Còn trên thực tế, chuyện này lại khác.
Bộ phận một cửa tại UBND xã Hoài Hương (Hoài Nhơn) đóng cửa lúc 10 giờ 40 phút (ảnh chụp ngày 15.6).
Đơn cử, tại UBND xã Hoài Hương (Hoài Nhơn), vào lúc 10 giờ 40 phút ngày 15.6, Bộ phận một cửa cùng nhiều phòng chuyên trách của UBND xã đều đã khóa cửa nghỉ làm.
Ngày 20.6, khi phóng viên đến UBND xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) vào lúc 10 giờ 45 thì thấy Bộ phận một cửa và nhiều phòng chuyên trách khác cũng đã “đóng cửa cài then”. Đáng nói, trước đó, vào ngày 28.4, Đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ đã về UBND xã Cát Hanh kiểm tra đột xuất, phát hiện công chức xã nghỉ sớm hơn giờ quy định; sau đó Đoàn đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND huyện Phù Cát có chỉ đạo khắc phục tình trạng “giờ dây thun” ở các địa phương trong huyện, trong đó có xã Cát Hanh. Ngày 9.5, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Lương Văn Ngân ban hành văn bản số 352/UBND-NV yêu cầu UBND xã Cát Hanh nghiêm túc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các trường hợp vi phạm và báo cáo kết quả cho Chủ tịch huyện biết. Vậy nhưng, theo những gì PV chứng kiến thì UBND xã Cát Hanh vẫn chưa khắc phục được “bệnh cũ”. Khi chúng tôi hỏi người dân sống gần UBND xã Cát Hanh thì được họ cho biết: “Giờ thì còn ai làm nữa đâu. Họ nghỉ từ 10 giờ 30 phút rồi. Chiều cô hãy quay lại”. Một số người còn nói thêm, buổi sáng có cán bộ còn la cà quán nước, đến 8 giờ sáng, ủy ban xã mới có đủ người; và chuyện đi muộn về sớm của cán bộ xã là… bình thường.
“Một cửa” nhưng... nhiều phòng
Về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, theo Quyết định 36/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh, thì “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” là đầu mối tập trung hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức để chuyển đến các cơ quan, đơn vị chuyên môn hoặc cấp có thẩm quyền giải quyết và nhận, trả kết quả cho cá nhân, tổ chức. Thế nhưng, trong thực tế, bộ phận đầu mối này chưa được quan tâm nhiều và vẫn còn trường hợp giải quyết tại phòng chuyên môn thay vì đưa đến cho Bộ phận một cửa. Cụ thể, tại Bộ phận một cửa của UBND xã Nhơn Tân (TX An Nhơn), chỉ có một vài công chức ra vào, không có công chức nào ngồi tại đây làm việc. Việc tiếp nhận và trả kết quả đều thực hiện tại phòng làm việc chuyên môn. Ông Lương Huyết Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, cho biết, sắp tới đây UBND xã sẽ xây dựng một phòng làm việc mới cho bộ phận một cửa để các cán bộ có thể làm cố định tại đây. Về thời gian làm việc tại bộ phận một cửa, thậm chí, có UBND cấp xã của huyện Phù Cát còn tự đề ra quy định chỉ chấp nhận chứng thực vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Đây là việc làm trái với quy định “tổ chức việc tiếp nhận và trả kết quả vào tất cả các ngày làm việc và đảm bảo thời gian làm việc theo quy định” theo Quyết định 36/2015/QĐ-UBND, gây mất thời gian và ảnh hưởng tới công việc của người dân.
Rõ ràng cơ quan chức năng của tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra đột xuất việc thực hiện công vụ, cải cách thủ tục hành chính và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ công chức cấp xã; tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.
KIM CHI