Sử dụng phần mềm QNUPACS: Hỗ trợ hiệu quả công tác khám chữa bệnh
Với việc đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý và Khai thác dữ liệu chẩn đoán hình ảnh (QNUPACS), một số công đoạn khám chữa bệnh (KCB) ở BVÐK tỉnh đã nhanh chóng, thuận tiện hơn trước khá nhiều. Ðây được coi là một trong những phần mềm đem lại nhiều tiện ích mà các cơ sở y tế khác cũng cần được áp dụng.
Khắc phục nhiều điểm hạn chế
Dù đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) từ nhiều năm qua, nhưng về cơ bản, hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) của BVĐK tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đối với khoa Chẩn đoán hình ảnh, vì kết quả chỉ là các hình ảnh được khảo sát tại những vị trí được chỉ định, còn kết quả mà HIS cần là những kết luận hay chẩn đoán từ các nhà chuyên môn cận lâm sàng. Mặt khác, trong quá trình tác nghiệp, các nhà chuyên môn cận lâm sàng cũng chưa tương tác được với HIS để tìm hiểu thêm về bệnh án của bệnh nhân. Ngược lại, khoa Chẩn đoán hình ảnh không có được thông tin từ lâm sàng, cận lâm sàng khác như xét nghiệm, điện tim… trước đó để phục vụ cho việc thực hiện kỹ thuật an toàn, chất lượng và chẩn đoán chính xác.
Việc đưa vào sử dụng phần mềm QNUPACS đem lại nhiều thuận lợi cho cả các bác sĩ, kỹ thuật viên và bệnh nhân. Ảnh: N.V.T
Cũng vì chưa liên kết được với HIS, nên bác sĩ lâm sàng không kiểm tra được có hay chưa kết quả của bệnh nhân, không truy xuất được lịch sử thông tin chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân từ hệ thống thông tin hình ảnh (RIS). Các bác sĩ còn thiếu thông tin để hỗ trợ cho việc nhận định kết quả, hoặc để hồi cứu, rút kinh nghiệm… Những hạn chế trên được các kỹ thuật viên, bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh khắc phục bằng việc chủ động trao đổi thông tin với bác sĩ lâm sàng qua điện thoại, hoặc mượn bệnh án. Đây là phương án mang tính “chữa cháy”, thiếu tính chuyên nghiệp và không thường quy.
Ngoài ra, trong tình trạng quá tải như hiện nay tại BVĐK tỉnh, việc đăng ký, hẹn trước lịch chụp hoặc siêu âm là rất cần thiết, góp phần làm giảm ùn ứ bệnh nhân vào một thời điểm, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, tránh sự căng thẳng, áp lực cho nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, một số kỹ thuật phải hẹn trước để được chuẩn bị đảm bảo quy trình chuyên môn, một số chỉ có thể thực hiện được bởi một số bác sĩ… Nhưng thời gian qua việc đăng ký chụp, lịch hẹn chụp hoặc siêu âm chưa được thực hiện qua mạng. Khoa có nhu cầu phải gửi giấy chỉ định lên khoa Chẩn đoán hình ảnh để đăng ký và nhận giấy hẹn.
QNUPACS ra đời đã giải quyết cơ bản những vấn đề trên, cùng một số tiện ích khác như: hoàn thiện bệnh án điện tử của bệnh nhân; hình ảnh y tế được tổ chức quản lý và lưu trữ tập trung, khoa học, dễ quản lý và tra cứu; hình ảnh được truyền tải tới các trạm, làm việc tại bất kỳ khoa phòng nào trong bệnh viện…
Nhiều lợi ích rõ rệt
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, BVĐK tỉnh đã chủ động đặt hàng với nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Quy Nhơn, nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại nêu trên. Và QNUPACS, sản phẩm nghiên cứu do tiến sĩ Lê Thị Kim Nga - Giảng viên Khoa CNTT Trường ĐH Quy Nhơn - cùng các cộng sự thực hiện, đã chính thức ra đời.
QNUPACS giúp thu nhận dữ liệu từ thiết bị tạo ảnh; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin bệnh nhân kèm với thông tin hình ảnh; xây dựng bộ công cụ chẩn đoán hình ảnh; kết nối hệ thống thông tin bệnh viện hoặc hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh. Phần mềm này có một số chức năng nổi bật như: tự động nhận ảnh từ thiết bị chụp, dựng mô hình 3D, dán nhãn tự động trên hình ảnh y tế DICOM, cho phép cắt lát lại các lát cắt MPR phân cấp, hỗ trợ chẩn đoán từ xa…
Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết: Qua thời gian đưa vào sử dụng, QNUPACS đã phát huy được tác dụng rõ rệt, đáp ứng được hầu hết những yêu cầu do chúng tôi đưa ra. Đây thực sự là phần mềm hữu ích, cần được áp dụng tại các bệnh viện khác trong và ngoài tỉnh.
Theo tiến sĩ Lê Thị Kim Nga, do thời gian hạn chế và một số yếu tố khác ảnh hưởng, nên hệ thống phần mềm chưa thực sự hoàn hảo. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện và tích hợp phát triển thêm một số công cụ tính toán đo đạc CNTT hiện đại, để có thể hỗ trợ nhiều hơn trong chẩn đoán và điều trị, cũng như tầm soát được khả năng hoạt động của một số bộ phận trên cơ thể người dựa trên thông tin hình ảnh.
LÊ CƯỜNG