Phát hiện, xử lý và phòng chống bệnh thủy đậu
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình bệnh thủy đậu đang khá phức tạp, số ca mắc bệnh tăng nhanh.
Bệnh thủy đậu, còn gọi là bệnh trái rạ, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu gặp ở trẻ em, dễ thành dịch, do vi-rút Varicella Zoster (VZV) gây ra. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt, phát ban dạng nốt phỏng ở da và niêm mạc. Lây trực tiếp qua đường hô hấp, trẻ từ 5 - 9 tuổi thường hay mắc bệnh và chiếm khoảng 50% tổng số các trường hợp.
Thời kỳ ủ bệnh: từ 10 - 21 ngày, trung bình 14 ngày, hoàn toàn yên lặng, không có triệu chứng gì. Thời kỳ khởi phát: trong vòng 24 - 48 giờ, triệu chứng không rõ, dễ bỏ qua. Có thể không sốt hoặc sốt nhẹ khoảng 38°C - 38,5°C, đau mình, mệt mỏi, trẻ không chịu chơi, quấy khóc, cá biệt có thể sốt tới 39°C - 40°C, bệnh nhân trằn trọc, mê sảng và khi sốt cao trẻ có thể bị co giật...
Bệnh nhân thường kèm theo viêm họng, viêm xuất tiết đường hô hấp trên. Một số trường hợp có nổi ban. Thời kỳ mọc ban (thời kỳ toàn phát): Toàn thân sốt nhẹ, nổi nốt phỏng. Thoạt đầu là những ban màu hồng, sau nổi gồ trên da, ngứa. Trong vòng 24 giờ, nốt phỏng nước trong, rất nông. Sau 48 giờ, nốt phỏng khô lại, chất dịch bên trong nốt phỏng có màu đục.
Các tổn thương thường rất ngứa. Bệnh nhân hay gãi làm vỡ các nốt phỏng. Vị trí nốt phỏng: Rải rác khắp nơi, hay gặp nhất ở mặt, ngực, trên da đầu, chân tóc. Đôi khi ở niêm mạc như ở trong má, vòm họng. Thời kỳ hồi phục: nốt thủy đậu diễn biến lâu nhất 4 - 6 ngày là khô lại, đóng vảy, màu nâu sẫm, bong đi sau một tuần, không thành sẹo vĩnh viễn trừ khi gãi loét và bội nhiễm.
Bệnh thủy đậu nói chung lành tính, nhưng cũng có thể gặp biến chứng như về thần kinh hay gặp ở trẻ nhỏ, đột ngột sốt cao, nhức đầu, nôn, li bì, nhiều khi co giật và liệt. Viêm phổi thường gặp ở người lớn bị thủy đậu hơn là trẻ em do bội nhiễm vi khuẩn. Viêm da bội nhiễm: sốt cao, dịch nốt phỏng có mủ.
Điều trị bệnh cần cách ly để phòng lây lan, khi ban hết mọc, vảy đã bong hết.
Chú ý công tác vệ sinh, săn sóc: nằm buồng thoáng mát, tránh gió lùa, vệ sinh răng miệng. Nghỉ học bắt buộc cho đến khi khỏi bệnh. Tắm hàng ngày bằng nước sạch. Giữ da sạch sẽ cùng các đầu ngón tay. Tránh gãi vì có thể gây sẹo vĩnh viễn. Không có thuốc đặc trị, chủ yếu điều trị triệu chứng.
Cách phòng bệnh: Tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ từ 12 - 18 tháng tuổi. Những trẻ đã mắc thủy đậu thì không cần tiêm phòng vắc- xin vì sau khi bị đã có kháng thể có tác dụng bảo vệ suốt đời.
Ðáng chú ý, phụ nữ có thai mắc thủy đậu khoảng 5 ngày trước và sau khi sinh sẽ gây thủy đậu bẩm sinh cho sơ sinh do giai đoạn này vi-rút nhiễm vào máu, với các biểu hiện ở phế quản - phổi, loét đường tiêu hóa, viêm não màng não, viêm gan thường tiến triển dẫn đến tử vong. Phụ nữ có thai mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ gây bệnh lý đối với phôi thai gây dị dạng thai nhi như: mất một hoặc nhiều chi, viêm hắc võng mạc, đục thủy tinh thể và các tổn thương da để lại sẹo.
BS. VÕ VĂN PHÚC (Bệnh viện PHCN Bình Định)