Không lãng quên nỗi đau Kim Tài
Tháng 6.2017, tại Khu di tích vụ thảm sát Kim Tài (thôn Kim Tài, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn), Ban Quản lý di tích tỉnh tiến hành trưng bày bổ sung để góp phần tái hiện lại những hình ảnh và nội dung sự kiện ngày 9.1.1966 tại đây.
Khu di tích vụ thảm sát Kim Tài.
Sáng sớm 9.1.1966, sau những trận pháo kích dữ dội dọn đường, lính Nam Triều Tiên (chư hầu của Mỹ, tham chiến trong chiến tranh Việt Nam) mở trận càn quy mô lớn vào Nhơn Phong. Địch cho khoảng 50 máy bay lên thẳng đổ quân ở Núi Đất và nhiều vị trí khác như Gò Đá, Gò Chùa, Gò Cây Me, Gò Bồ Đề, hình thành thế bao vây, chia cắt nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng ta ở đây, chủ yếu là Tiểu đoàn 50. Tuy nhiên, chúng bị thiệt hại nặng nề. Để trả đũa, lính Nam Triều Tiên quay sang giết hại thường dân vô tội và gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại thôn Kim Tài.
Những nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát kể lại: Mờ sáng 9.1.1966, họ bị đánh thức bởi tiếng đạn pháo bắn dồn dập khắp nơi trong xã. Theo thói quen, họ đưa nhau xuống hầm trú ẩn. Vừa dứt tiếng pháo, lại nghe tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, sau đó là tiếng súng nổ ran ngày càng gần. Rồi từng tốp lính Nam Triều Tiên lăm lăm súng kéo vào làng, chúng lục soát từng nhà và trói tổng cộng 43 người, lôi đến nhốt tại nhà ông Phạm Đình Châu. Sau đó, bọn chúng chốt cửa lại, không cho ai thoát và ném lựu đạn vào trong. Sau đó đốt nhà rồi bỏ đi mặc tiếng kêu gào thảm thiết của người dân.
Có tổng cộng 37 người bị sát hại trong vụ thảm sát, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em. Chỉ 6 người may mắn thoát chết. Sau khi gây ra vụ thảm sát Kim Tài, lính Nam Triều Tiên tiếp tục lùng sục, gom dân ở các thôn tập trung đợt hai tại Gò Bồ Đề (khoảng trên 200 người). Tại đây, chúng trói mọi người với nhau, bắt ngồi phơi nắng, bỏ đói, bỏ khát. Lính Nam Triều Tiên dùng báng súng đánh đập thường dân; đêm đến chúng bắt phụ nữ ra hãm hiếp…
Vụ thảm sát Kim Tài chỉ là một trong rất nhiều vụ thảm sát thường dân mà binh lính Nam Triều Tiên gây ra ở miền Trung nói chung, ở Bình Định nói riêng trong chiến tranh Việt Nam.
Năm 1985, trên nền nhà cũ của ông Phạm Đình Châu, cũng là ngôi mộ tập thể những nạn nhân bị lính Nam Triều Tiên sát hại, Nhà nước và nhân dân đã xây dựng Bia căm thù. Di tích này được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2002.
Tháng 2.2015, Công trình Khu di tích vụ thảm sát Kim Tài được UBND tỉnh đầu tư xây dựng, tu sửa trên diện tích hơn 2.700 m2, bao gồm các hạng mục: tường rào, nhà thờ, khu mộ tập thể, vườn hoa cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng.... Tháng 6.2017, Ban Quản lý di tích tỉnh tiến hành trưng bày bổ sung để góp phần tái hiện lại những hình ảnh và nội dung sự kiện đau thương kể trên.
ÐẶNG VĂN ÐỆ